Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch phồi hục tích cực với 4/5 phiên tăng điểm, có thời gian VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm song lại chịu áp lực bán lớn vào phiên cuối tuần khiến chỉ số thu hẹp về vùng 1.270 điểm.
Trong tuần, thị trường trong nước ghi nhận một số thông tin tích cực như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO xuống 4%/năm.
Thông tin nổi bật khác là việc Fed chính thức cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất xuống mức 4,75% – 5%. Đây là sự khởi đầu mạnh tay của Fed và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát cuộc họp.
Bệ đỡ cho chỉ số chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng. Các nhân tố chính hỗ trợ thị trường là TCB tăng 6,1%, CTG tăng 3,2% và ACB tăng 5,1%. Ngược lại, GAS giảm 1,6%, VIC giảm 1,4% và PGV giảm 3,2% là các mã gây áp lực lên chỉ số.
Kết tuần, VN-Index tăng 20,33 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,62% lên mức 1.272,04 điểm, HNX-Index tăng 0,81% lên 234,3 điểm và UPCoM-Index tăng 0,7% lên mức 93,6 điểm.
Thanh khoản trung bình tăng 32,2% lên 16.309 tỷ đồng/phiên, phiên cuối tuần qua cũng chứng kiến thanh khoản vượt mốc 20.000 tỷ đồng sau khoảng một tháng.
Khối ngoại mua ròng 1.229,4 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó mua ròng 1.222,6 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 71,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 64,3 tỷ đồng trên UPCoM.
Về động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCK VNDirect nhận định chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
“Có những tiếng nói cho rằng việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Theo ý kiến cá nhân tôi, góc nhìn này không toàn diện. Trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự báo và thị trường việc làm xuất hiện những mối lo ngại dù vẫn trong tầm kiểm soát, thì việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % lại rất logic”, chuyên gia VNDirect nói.
Ông Hinh cho rằng việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” của Fed hơn là “một hành động chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn màng.
Trong nước, ông Hinh nhìn nhận xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta.
Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỉ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với những kỳ vọng trên, chuyên gia VNDirect duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm, kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi.
Những yếu tố hỗ trợ gồm chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.
Do đó, những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế Tp.HCM (UEH) cũng có một số đánh giá về việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ tác động tới thị trường Việt Nam.
Đầu tiên là nước ta sẽ bớt được áp lực tỉ giá và có thêm dư địa để giảm lãi suất. Việc Fed giảm lãi suất cũng sẽ khiến dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các nước phát triển.
“Những tác động này không thể diễn ra ngay, vì dòng vốn không thể đảo chiều lập tức và vì thị trường chứng khoán cũng không thực sự hấp dẫn khối ngoại”, ông Huân nói.
Dù vậy, ông Huân khuyên nhà đầu tư nên chờ dòng vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường trong thời gian tới ra sao.
Theo ông Huân, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chưa có yếu tố thật sự rõ ràng. Nếu là một thị trường mới nổi, tác động từ Fed chắc chắn sẽ rõ rệt hơn. Với những lý do đó khiến hiện tại trên thị trường chủ yếu là dòng tiền trong nước.
Thời gian này nhà đầu tư nên thận trọng, bởi một cú cắt giảm của Fed chưa nói lên được nhiều điều, nhất là khi Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh đây chưa phải là xu hướng.
Dù vậy, việc Fed giảm lãi suất cũng tạo ra những dư địa nhất định để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, không cần phải đảo chiều chính sách.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-23-9-ky-vong-vn-index-vuot-1300-diem-sau-dong-thai-cua-fed-204240921225000018.htm