Vùng đất Điện Biên xưa từng là nơi nhiều đất, lắm của cải, thực là nơi “đất lành chim đậu”. Lê Quý Đôn, nhà sử học nổi tiếng trong thế kỉ XVIII, viết trong Kiến văn tiểu lục rằng: “châu này, thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ bốn bên đến chân núi, đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác, mã số hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi”. Nơi đây, ngày 7.5.1954, từng chứng kiến chiến thắng vang dội năm châu, trấn động địa cầu của quân và dân ta sau năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non – chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những con đường trải dài bất tận
Trong chiến thắng lịch sử này, một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi là sự đóng góp sức người, sức của của toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo đảm tốt hậu cần, cung cấp lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội ngoài mặt trận.
Trải qua các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952… quân ta đã thấy rõ vai trò của hạ tầng cơ sở, của những tuyến đường trong chiến tranh mỗi lần mở chiến dịch lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử cho biết: chúng ta đã khôi phục và mở rộng 4.500 km đường, trong đó có trên hai ngàn km cho xe cơ giới. Bắt đầu mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mới sửa những tuyến đường từ Tuần Giáo đi Lai Châu; đoạn đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ (sau này được gọi là đường 42). Đặc biệt, đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ dài 89 km, nhỏ hẹp, nhiều đoạn sạt lở, hơn một trăm cầu cống đều hư hỏng, giờ phải mở đủ rộng không chỉ để chạy xe vận tải mà còn dùng cho xe kéo pháo. Khi chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” lại xuất hiện thêm một yêu cầu mới là làm đường vận chuyển pháo bằng ô tô từ km 62 vào trận địa, dài gần bằng đoạn đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ, qua địa hình rừng núi cực kì hiểm trở.
Nếu như trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Myanmar, quân đội Mỹ với cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại phải mất 18 tháng mới xây dựng gấp rút xong một con đường dài 190 km (Ledo Road) trong điều kiện không bị kẻ địch cản trở. Chúng ta chỉ có một thời gian rất ngắn để xây dựng 160 km đường ở ngay mặt trận dưới sự đánh phá thường xuyên của máy bay, đại bác, mà trong tay chỉ có cuốc, xẻng và một ít thuốc nổ.
Ta cũng chú trọng khai thác những tuyến đường sông. Đây là một tuyến tiếp tế quan trọng, nhưng cho tới lúc này chưa khai thác được bao nhiêu, vì trên sông có quá nhiều ghềnh thác hung dữ. Chúng ta đã có kinh nghiệm khắc phục ghềnh thác trên sông Mã trong chiến dịch Thượng Lào. Sau một thời gian phá thác bằng thuốc nổ, trọng tải các mảng tăng lên gấp ba, số người điều khiển mảng từ ba, bốn người, rút xuống còn một người. Những cô gái dân công Thanh Thủy, Phú Thọ, thời gian đầu còn rất sợ thác, sau mỗi người điều khiển một mảng xuôi các dòng sông.
Sức mạnh của xe đạp thồ
Tướng Navarre từng nhận định: “Lực lượng của tướng Giáp sẽ không thể có được chuyển tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng ngàn tấn hàng, xuyên hàng trăm km rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua”.
Tại hỏa tuyến, những nơi các phương tiện giao thông cơ giới không thể sử dụng, vẫn phải dùng dân công gánh bộ là chủ yếu. Những con đường ra mặt trận nằm giữa những hố bom lở loét, cây cỏ xác xơ, ban ngày vắng lặng, im lìm, như sống lại khi mặt trời vừa xuống núi. Những đoàn người nối nhau đi như nước hướng về tiền tuyến, đâu đâu cũng vang lên tiếng hò, câu hát nói lên quyết tâm vượt mọi khó khăn và tình cảm dành cho những người đang chiến đấu ở mặt trận.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Hội đồng cung cấp tiền phương, toàn quân toàn dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược phục vụ mặt trận. Ta chủ trương vận chuyển bằng phương tiện cơ giới là chính nhưng không quên khai thác sử dụng những phương tiện vận chuyển thô sơ như: Xe thồ, xe ngựa, xe trâu, xe cút kít, bè mảng… Số xe đạp thồ đảm bảo 80% khối lượng hậu cần của chiến dịch. Xe đạp thồ được huy động tới mức tối đa, số lượng lên tới 20.000 xe.
Một chiếc xe đạp thồ có khả năng chở trung bình từ 50 kg đến 100 kg, tương đương với khả năng mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật liệu cồng kềnh, chất lỏng như xăng, dầu.
Mỗi xe thồ lúc đầu chở 100 kg, sau đó đã không ngừng thi đua thồ hàng bằng xe đạp, nâng lên 200 – 300 kg với kỉ lục một xe đạp thồ chở tới 352 kg do chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (Đoàn Phú Thọ) thiết lập.
Nó có thể đi được trên nhiều loại đường và địa hình khác nhau mà ô tô không thể đi được. Một số ưu điểm của xe đạp thồ bao gồm việc không cần sử dụng nhiên liệu, dễ dàng sửa chữa, khả năng ngụy trang và có thể di chuyển độc lập hoặc theo nhóm trong mọi điều kiện thời tiết. Lực lượng xe đạp thồ thường được tổ chức thành các đoàn theo địa phương, với mỗi đoàn bao gồm nhiều trung đội và mỗi trung đội có từ 30 đến 40 chiếc xe. Các xe được chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi vượt qua đèo hay dốc cao. Ngoài ra, mỗi đoàn xe đạp thồ còn có một chiếc xe đặc biệt chuyên chở phụ tùng và dụng cụ sửa chữa khi cần thiết.
Năng suất xe đạp thồ cao gấp hơn mười lần dân công gánh bộ; gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi bằng ấy lần. Tính ưu việt của xe thồ còn ở chỗ có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ôtô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng trước đây.
Càng những ngày cuối chiến dịch, từng đoàn xe ô tô, đoàn thuyền, đoàn xe ngựa thồ, đặc biệt là hàng vạn chiếc xe đạp thồ từ các vùng tự do, vùng mới giải phóng Tây Bắc cũng như những vùng sau lưng địch đã băng rừng vượt suối hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Những tuyến cung cấp của quân và dân ta dài hàng trăm km từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên đến Tây Bắc, những đoàn dân công hỏa tuyến vượt núi băng rừng đi qua những quãng đường đèo dốc hiểm trở ngày đêm bị máy bay địch cung cấp nguồn hàng vô tận cho tiền tuyến lớn.
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân ta đã tập trung sức người, sức của để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Bằng sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, chung lòng vượt qua khó khăn gian khổ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đến thắng lợi cuối cùng.
Công tác chi viện tiền tuyến lần này chứng minh những thành tựu xây dựng qua 8 năm kháng chiến. Hậu phương không chỉ đáp ứng tới mức cao nhất yêu cầu về người, về của cho tiền tuyến mà còn sẵn sàng chiến đấu để tự bảo vệ nếu địch đánh tới trong thời gian bộ đội đang ở mặt trận. Nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được phân công phục vụ cho những chiến dịch Trung, Hạ Lào. Riêng mặt trận này đã huy động tới 54.000 dân công, với gần hai triệu ngày công, trên hai ngàn xe đạp thồ và một ngàn rưỡi chiếc thuyền.
Trên miền Bắc, Thanh Hóa trở thành tỉnh cung cấp chính cho chiến dịch. Thanh Hóa cung cấp sức người, sức của chủ yếu cho đợt tổng công kích cuối cùng vào các vị trí địch, bảo đảm cho đợt tiến công giành thắng lợi. Số dân công Thanh Hóa huy động trong đợt ba của chiến dịch lên tới mức kỉ lục: 120.000 người trong đó có 25.000 nữ dân công. Cả ba đợt, Thanh Hóa đã huy động cho chiến dịch 178.924 dân công dài hạn và ngắn hạn, gần bằng 70% số dân công toàn chiến dịch. Thanh Hóa còn là nơi thu nhập, nuôi dưỡng, cứu chữa phần lớn thương bệnh binh cũng là nơi tập trung cải huấn của số đông tù binh, từ mặt trận Điện Biên Phủ chuyển về.
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó một nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định là sự chi viện to lớn của hậu phương cả về vật chất lẫn tinh thần. Đối với kẻ địch, thất bại của chúng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là không dự tính được hết khả năng tiếp tế của hậu phương ta cho tiền tuyến. Trong cuốn “Tấn thảm kịch Đông Dương”, các tác giả Pháp đã viết về sai lầm của tướng Navarre: “đã tin rằng Việt Minh không tiếp tế được tới Điện Biên Phủ; họ muốn tới được đó thì sẽ ăn hết bốn phần năm những gánh thực phẩm, mặt khác không quân của ông ta còn có thể phá hủy những đường tiếp tế”. Ivon Panhinét, học giả Pháp, trong cuốn “Mắt thấy ở Việt Nam” đã ghi lại lời than thở của một sĩ quan Pháp: “Than ôi! Máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”
Laodong.vn