Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về DTHT cần bám sát hoạt động thực tế hiện nay cũng như những quy định mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).
Tránh đưa ra những nguyên tắc khó thực hiện
Thưa ông, Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến quanh dự thảo quy định về quản lý DTHT. Ông thấy, tại dự thảo lần này có những điểm mới nào cần lưu ý?
– Dự thảo thông tư mới, nếu được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT (Thông tư 17) nhằm mục đích chấm dứt DTHT tiêu cực, làm trong sạch môi trường văn hóa nhà trường; bảo đảm nhà trường luôn có đời sống tinh thần tích cực, thầy trò luôn thương yêu nhau, thấu cảm với nhau hơn.
Trước hết, dự thảo thông tư có ghi nội dung DTHT là “góp phần củng cố, nâng cao kiến thức”. Cụm từ trên được giữ nguyên, giống Thông tư 17 nhưng theo tôi, dự thảo nên bỏ cụm từ này bởi CT GDPT 2018 đã thay đổi rất nhiều về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá trong giáo dục. Hoạt động DTHT là “cái bóng của dạy chính khóa” theo cách nói của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO); có nghĩa là DTHT không bao giờ tự mất đi và luôn song hành, như hình với bóng với dạy học chính khóa. Dạy học chính khóa, chính là CT GDPT 2018 đã thay đổi thì quan điểm của DTHT cần thay đổi theo.
Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học”. Có nghĩa là nâng cao kiến thức cho người học không còn là mục tiêu bao trùm mà cần tập trung cho phát triển năng lực người học. Dạy học bây giờ là dạy phát triển năng lực học sinh (dạy người), chứ không phải bồi đắp thật nhiều kiến thức sách vở cho học sinh như quan niệm cũ (dạy chữ).
Ngay lý luận dạy học cũng nhấn mạnh, “cần đảm bảo kiến thức cơ bản vừa đủ”, dành ưu tiên phát triển năng lực học sinh thông qua đổi mới phương pháp và hoạt động giáo dục. Nguyên tắc trong thông tư DTHT rất quan trọng, không những định hướng các giải pháp và tổ chức, quản lý DTHT mà còn ảnh hưởng lớn tới sự thành công của mục tiêu chương trình giáo dục chính khóa, tức CT GDPT 2018.
Ngoài ra, các nguyên tắc đề cập tới tự nguyện, không ép buộc, thời lượng, thời gian, địa điểm, không quá tải hay không cắt giảm nội dung và dạy trước nội dung chính khóa… là rất thực tiễn và cấp bách. Tuy nhiên cần có giải pháp DTHT khả thi đi kèm, tránh đưa ra nguyên tắc nhưng khó thực hiện hoặc có hiệu quả thấp khi triển khai.
Tại dự thảo có quy định rõ về DTHT trong nhà trường. Quan điểm của ông như thế nào?
– Điểm mới của dự thảo là tổ chức DTHT thông thoáng hơn, không bó buộc như Thông tư 17, thậm chí còn bỏ hẳn một điều cấm DTHT; việc tổ chức quản lý DTHT có bài bản hơn, quy củ hơn. Giáo viên và học sinh yên tâm được DTHT ở ngay trường mình và chính thầy cô/học sinh mình đang dạy/học chính khóa.
Tuy nhiên, chính những điểm mới này làm tôi thấy băn khoăn, lo ngại bởi vô hình trung sẽ biến nhà trường có hai chương trình dạy học: chính khóa và dạy thêm cùng tồn tại và cùng được tổ chức tại cùng một cơ sở giáo dục. Một chương trình chính khóa, người dạy hưởng lương của Nhà nước và một chương trình dạy thêm, có phí dạy thêm do cha mẹ các em đóng góp. Như vậy, DTHT đã được hợp lý hóa chính thức trong các cơ sở giáo dục. Điều này, khiến mong ước về “Trường học hạnh phúc” chắc chắn sẽ còn rất xa.
Trong Thông tư 17, tôi rất đồng tình khi việc dạy thêm được coi là “hoạt động dạy học phụ thêm” nhưng rất tiếc, tại dự thảo lần này lại bỏ đi. Theo tôi, đặt vai trò và nhiệm vụ của DTHT như cũ là đúng mức và xác định nó là cái “bóng” của dạy học chính khóa theo quan niệm của UNESCO.
DTHT chỉ đi đúng hướng khi nhà trường có trách nhiệm giúp một bộ phận học sinh có trình độ kiến thức dưới chuẩn, nâng lên đạt chuẩn về yêu cầu cơ bản. Mức phí có thể không thu hoặc thu một phần bồi dưỡng cho thầy cô dạy. Và như vậy, không thể tổ chức DTHT đồng loạt đại trà như tổ chức dạy học chính khóa.
Ngành giáo dục phải được duyệt và ban hành nội dung dạy thêm
Theo ông, DTHT trong nhà trường cần tổ chức những nội dung gì và thực hiện như thế nào?
– Hoạt động DTHT trong trường, cần hỗ trợ cho dạy chính khóa, vì nó là cái “bóng” mà. DTHT có thể là việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động sáng tạo cho học sinh. Trong trường học không dạy thêm kiến thức chuyên sâu cho từng môn học riêng lẻ.
Hiện tại ở nhiều trường đã thực hiện rất tốt khi tổ chức dạy thêm các môn tích hợp, liên môn như STEM, STEAM, STEAME hoặc giáo dục cảm xúc, đạo đức và nhân văn cho học sinh. Cùng với đó, dạy thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng phi nhận thức cho học sinh thông qua các lớp học rèn luyện kỹ năng sống, phát triển các câu lạc bộ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội hay dạy học sinh cách làm bài kiểm tra, bài thi trong đề ngữ văn dưới dạng mở, liên hệ thực tế, liên hệ bản thân…
Trong Luật Giáo dục hiện hành và trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT gần đây đã rất nhấn mạnh và coi trọng dạy kỹ năng tự chủ, tự học cho học sinh. Trong các nhà trường hiện nay, việc đánh giá học sinh phẩm chất chủ yếu là “sống tự chủ” và năng lực chung là “tự học”. Với cách DTHT kiến thức ồ ạt trong nhà trường, e rằng học sinh sẽ lười tư duy, hạn chế sáng tạo và bỏ qua mục tiêu đánh giá. Điều này tác động không tốt tới sự phát triển năng lực học sinh.
Hoạt động DTHT trong trường là vậy, còn DTHT ngoài nhà trường thì sao, thưa ông?
– Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc HĐND các tỉnh, TP quy định mức thu phí DTHT; đặc biệt không cấm cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Quy định này là đúng luật, đúng đạo lý. Giáo viên có quyền làm thêm, dạy thêm và học sinh có quyền được học thêm theo quy định của chính quyền các cấp và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Với đời sống giáo viên còn thiếu thốn, thu nhập còn kém trong cơ chế thị trường, thì việc mở cửa rộng rãi cho giáo viên được dạy thêm bằng chính tài năng, sức lực của mình và học sinh có nhu cầu chính đáng được học thêm để nâng cao giá trị bản thân là cách nhìn nhân văn, thực tế và thông minh. Việc DTHT theo cách cũ được chuyển ra ngoài nhà trường. Trong trường chỉ dạy học theo chương trình chính khóa và DTHT theo định hướng hỗ trợ phát triển năng lực học sinh.
Theo ông, cần làm gì để tránh tình trạng quá tải trong DTHT?
– Theo tôi, phải quy định ngành giáo dục được duyệt và ban hành nội dung dạy thêm. Ở các nước phát triển, nội dung quy định bắt buộc này mang tính tiên quyết. Cần có chế tài cụ thể để tránh giáo viên và học sinh quá tải trong việc DTHT, làm ảnh hưởng tới thực hiện chương trình giáo dục chính khóa; không để “chân ngoài dài hơn chân trong”.
Quản lý và tổ chức DTHT là việc làm vô cùng khó ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Đối với giáo dục Việt Nam, cần phải có giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô và sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp quản lý mới có thể thay đổi để DTHT thực sự hỗ trợ tích cực cho nâng cao chất lượng dạy học chính khóa.
Trước mắt, chúng ta cần có chủ trương, cách làm mang tính đột phá, như về thay đổi phương thức thi cử hay chuyển đổi mô hình trường chuyên lớp chọn. Tôi hy vọng, với những đổi mới này sẽ làm cho hoạt động DTHT không còn tiêu cực và đem lại môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng và hạnh phúc.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/day-them-hoc-them-can-bam-sat-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018.html