Tại sao các nhà báo lại hướng đến loại hình báo chí này? Nhiều câu trả lời nằm trong chính cách họ thực hiện công việc của mình.
Nhà báo địa phương Grace Kenyon của tờ Adirondack Daily Enterprise đã phỏng vấn 8 nhà báo kể chuyện để phục vụ cho nghiên cứu của mình tại Trường Báo chí Missouri, nơi cô nhận bằng thạc sĩ vào năm 2024.
Các nhà báo đều nói về việc xây dựng bài báo bằng cách suy nghĩ về các nhân vật và bối cảnh. Họ muốn kể cho độc giả những câu chuyện hấp dẫn theo các mức độ sâu sắc và cá nhân hơn.
Bài viết chỉ tốt khi có tài liệu tốt
Nếu muốn viết một bối cảnh, bạn cần có đủ chi tiết để khiến người đọc cảm thấy như họ đang ở đó với bạn. Nếu bạn muốn viết một câu chuyện, hoặc nếu bạn muốn viết một tin tức thu hút người đọc, thì bạn cần thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, nhiều hơn những gì bạn nghĩ mình cần.
Chú ý đến cảm xúc
Theo quan điểm truyền thống, phóng viên là người quan sát khách quan, cần phải cảnh giác về cách niềm tin và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến nhận thức và sự khách quan trong bài viết. Tuy nhiên, cũng chính cảm xúc là thứ có thể khai thác để đưa tin tốt hơn.
Thomas Lake, một cây bút kỳ cựu tại CNN, từng viết về Richard Phillips, một người đàn ông phải chịu đựng 46 năm tù giam oan ức. Suốt thời gian đó, Phillips đã viết thơ và vẽ tranh. Lake kể về khoảnh khắc ông đứng trong căn phòng của Phillips và bị ấn tượng bởi một trong những bức tranh của ông.
Lake cho biết nếu đưa cảm xúc vào trong bài viết hoặc bài phỏng vấn, người đọc có thể cảm thấy điều gì đó tương tự như khoảnh khắc khi Lake đứng trước bức tranh của Phillips.
Bài báo thực sự nói về điều gì?
Đây là câu hỏi mà các nhà báo thường hỏi mỗi ngày, vì họ cần đi vào cốt lõi của một vấn đề hoặc tìm ra điều gì đáng đưa tin nhất để đưa vào phần mở đầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà báo đã đi sâu hơn vào việc xác định những trải nghiệm chung trong bài báo liên quan đến độc giả, ngay cả khi họ chưa từng trải qua tình huống chính xác trong bài báo đó.
Lane DeGregory, phóng viên doanh nghiệp lâu năm của tờ Tampa Bay Times, cho biết bà luôn tìm kiếm những chủ đề phổ quát trong các bài báo của mình. “Ngay cả khi chúng không liên quan với người mà tôi đang viết về, chúng vẫn có thể liên hệ đến sự trả thù hoặc tình yêu, hoặc hy vọng hoặc đau khổ”, DeGregory cho biết.
Những chủ đề này giúp các bài báo có sức mạnh vượt ra ngoài việc đưa tin tức thông thường, đồng thời cung cấp cho các nhà báo một cách để tập trung vào bài viết của họ.
Thu hẹp khoảng cách giữa người đọc và nguồn tin
Các bài báo kể chuyện thường được đặc trưng bởi các chi tiết phong phú. Người đọc đắm chìm vào thế giới họ đang đọc, bao gồm cả suy nghĩ và cảm xúc của những người trong câu chuyện. Việc có được những chi tiết này cho các tác phẩm báo chí văn học đòi hỏi phải phỏng vấn dài và các câu hỏi chi tiết.
Jenna Russell, một nhà báo của tờ New York Times, cho biết: “Bạn thu hẹp khoảng cách giữa người đọc và chủ đề trong bài báo… Với tôi, đó là nơi bạn tạo ra sự đồng cảm, khi khoảng cách đó bị thu hẹp lại”.
Chia sẻ về chính mình khi phỏng vấn
Mỗi nhà báo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dành thời gian cho các nguồn tin, bước vào cuộc sống của nguồn tin, trở nên quen thuộc sâu sắc với những hoàn cảnh và tình huống khó khăn.
Robert Sanchez, biên tập viên của Tạp chí 5280, cho rằng không nên bắt ép nguồn tin phải chịu tổn thương khi chia sẻ cuộc sống của họ trong cuộc phỏng vấn. Thay vào đó, anh chỉ lấy ra cuốn sổ tay khi đã tạo được kết nối cá nhân với nguồn tin. Anh cũng cố gắng chia sẻ một phần cuộc sống của mình và thích tiếp cận việc đưa tin qua các cuộc trò chuyện với các nhân vật.
“Khi tôi ngồi xuống và trò chuyện với một nhân vật, tôi đang cố gắng hiểu toàn bộ tính nhân văn của con người đó. Tôi đang cố gắng tìm hiểu những điều tuyệt đối nhất về con người đó, và cách duy nhất tôi có thể làm được điều đó là cũng có thể nói về chính mình”, Sanchez nói.
Ngọc Ánh (theo RJI)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-chia-se-va-kinh-nghiem-ve-bao-chi-ke-chuyen-post313318.html