Nội các trung dung và bảo thủ
Sau 2 tháng rưỡi bất ổn chính trị kể từ quyết định bất ngờ kêu gọi bầu cử sớm của Tổng thống trung dung Emmanuel Macron, tân Thủ tướng Michel Barnier đã thành lập một nội các mà ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các đảng phái trong Quốc hội Pháp đang bị chia rẽ.
Với ít nhân vật chính trị có ảnh hưởng, nhóm của ông bao gồm nhà lãnh đạo đảng bảo thủ Bruno Retailleau, người đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính danh giá đã được trao cho Antoine Armand, một người 33 tuổi ít được biết đến và thuộc đảng của ông Macron.
Các danh mục tài chính công, được chia sẻ với Bộ trưởng Ngân sách mới Laurent Saint-Martin, sẽ phải đảm nhiệm nhiệm vụ khó khăn là lập dự luật ngân sách trước tháng 1, thời điểm mà nước Pháp đang phải vật lộn để kiềm chế thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.
“Chúng ta phải cắt giảm chi tiêu công và làm cho nó hiệu quả hơn”, tân Bộ trưởng Tài chính Armand nói với tờ báo Journal du Dimanche trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ Bảy. “Nếu giải pháp là tăng thuế, Pháp sẽ từ lâu trở thành siêu cường hàng đầu thế giới”.
Nhưng bất chấp sự gia nhập của 10 chính trị gia từ Đảng Cộng hòa (LR) bảo thủ của ông Barnier vào nội các, Tổng thống Macron vẫn giữ một số Bộ trưởng sắp mãn nhiệm ở các vị trí chủ chốt. Chỉ có một chính trị gia cánh tả gia nhập nội các, Didier Migaud với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp.
Jean-Noel Barrot, Bộ trưởng châu Âu sắp mãn nhiệm, đã được thăng chức làm Bộ trưởng Ngoại giao. Trong khi đó, Sebastien Lecornu sẽ tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong cuộc bầu cử tháng 7, một khối cánh tả có tên là Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội so với bất kỳ khối chính trị nào, nhưng vẫn chưa đủ để giành được đa số phiếu.
Ông Macron lập luận rằng phe cánh tả sẽ không thể tập hợp đủ sự ủng hộ để thành lập một nội các mà không bị Quốc hội bãi bỏ ngay lập tức.
Thay vào đó, ông chuyển sang Barnier để lãnh đạo một nội các chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của quốc hội từ các đồng minh của ông Macron, cũng như từ Đảng Cộng hòa (LR) bảo thủ và các nhóm trung dung.
“Chính phủ của những kẻ thua cuộc trong cuộc tổng tuyển cử’
Tổng thống Macron hy vọng vào lập trường trung lập từ phía cực hữu – nhưng lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) Jordan Bardella đã nhanh chóng lên án thành phần của nội các mới.
Ông cho biết vào thứ Bảy rằng điều này đánh dấu “sự trở lại của chủ nghĩa Macron” và do đó “hoàn toàn không có tương lai”. Trong khi đó, người theo chủ nghĩa cực tả Jean-Luc Melenchon gọi đội hình mới là “chính phủ của những kẻ thua cuộc trong cuộc tổng tuyển cử”.
Ông cho biết nước Pháp nên “loại bỏ” nội các “càng sớm càng tốt”. Chủ tịch Đảng Xã hội Oliver Faure cũng đã chỉ trích nội các của Barnier là “một chính phủ phản động coi thường nền dân chủ”.
Ngay cả trước khi có thông báo, hàng nghìn người có khuynh hướng thiên tả đã xuống đường ở Paris, Marseille và nhiều nơi khác vào thứ Bảy để biểu tình. Họ phản đối một nội các mà họ cho là không phản ánh kết quả của cuộc bầu cử quốc hội. Nội các mới không có ai từ bên trong khối cánh tả NFP.
Ông Barnier sẽ có bài phát biểu chính sách quan trọng trước quốc hội vào ngày 1 tháng 10. Sau đó, ông có nhiệm vụ cấp bách là đệ trình một kế hoạch ngân sách lên Quốc hội Pháp nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng của Pháp- thử thách lớn đầu tiên đối với chính quyền của ông.
Thâm hụt khu vực công của Pháp dự kiến sẽ đạt khoảng 5,6% GDP trong năm nay và vượt quá sáu phần trăm vào năm 2025, trong khi theo quy định của EU, mức thâm hụt phải ở mức trần là 3%.
Cuộc họp đầu tiên của nội các mới dự kiến diễn ra vào chiều thứ Hai.
Hoàng Anh (theo France24, Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phap-cong-bo-noi-cac-moi-phe-canh-ta-va-canh-huu-len-tieng-phan-doi-du-doi-post313360.html