Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, động thái được đánh giá sẽ có tác động hai mặt đối với kinh tế Việt Nam.
Trong khi đồng USD yếu đi có thể giảm áp lực mất giá lên tiền đồng, thì nền kinh tế Mỹ chậm lại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đánh giá từ VinaCapital, việc Fed cắt giảm lãi suất là yếu tố hỗ trợ giá trị của VND. Đầu năm 2024, tiền đồng đã mất giá gần 5%, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nhờ kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất, VND đã phục hồi gần 4% kể từ cuối tháng 6. Đây cũng là xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực như ringgit Malaysia, baht Thái, và rupiah Indonesia.
VinaCapital nhận định rằng việc Fed cắt giảm lãi suất giúp giảm áp lực tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – yếu tố chính thúc đẩy GDP trong năm nay – có thể gặp khó khăn.
Do đó, GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cần dựa vào nội lực để duy trì tăng trưởng, thông qua đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng và sự phục hồi thị trường bất động sản.
“Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm rằng sự thúc đẩy GDP của Việt Nam hiện tại từ tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ giảm dần trong năm tới, và động thái của Fed về cơ bản đã xác nhận điều đó.
Tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản là hai công cụ mạnh mẽ mà Chính phủ có thể sử dụng, để tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu”, chuyên gia của VinaCapital phân tích.
Trong khi đó, ông Suan Teck Kin, giám đốc nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore), nhận xét việc cắt giảm lãi suất của Fed vượt qua dự báo 0,25% trước đó là một tín hiệu cho thấy sự không chắc chắn của kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với Ngân hàng Nhà nước để xem xét nới lỏng chính sách một cách tương tự.
Ông cũng dự báo Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và 2025, tác động gián tiếp đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. “Chúng tôi duy trì kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025, một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý.
Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong năm 2024 để kiểm soát lạm phát, dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ dựa vào kích cầu đầu tư công và phục hồi bất động sản”, chuyên gia của UOB dự báo.
8 tháng đầu năm 2024, CPI chung tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản lượng nông nghiệp khi thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI.
Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
Cả chuyên gia của VinaCapital và UOB đồng thuận rằng dù động thái của Fed mang đến thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy kinh tế, đảm bảo tăng trưởng ổn định trong tương lai.
Trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) ngày 17 và 18-9 vừa qua, Fed đã quyết định giảm phạm vi mục tiêu của Lãi suất mục tiêu quỹ liên bang (FFTR) 50 điểm cơ bản xuống phạm vi 4,75%-5%. Đây là mức cắt giảm sâu hơn so với kỳ vọng của thị trường (là -25 điểm cơ bản), và đánh dấu “khởi đầu tốt đẹp và mạnh mẽ” cho chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed, theo Chủ tịch FOMC Powell.
Fed cũng đã bỏ phiếu cắt giảm lãi suất dự trữ vượt mức (IOER) 50 điểm cơ bản xuống 4,9%, trong khi vẫn giữ nguyên Thắt chặt định lượng (QT) không đổi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/fed-cat-giam-lai-suat-ho-tro-nganh-nao-cua-viet-nam-20240921140622363.htm