Ngày 16.9, Tòa Phúc thẩm Đặc khu Columbia (Mỹ) tổ chức phiên tòa để lắng nghe lý lẽ của TikTok, công ty mẹ ByteDance, một nhóm người sử dụng và Bộ Tư pháp Mỹ, liên quan vụ kiện nhằm phản đối lệnh cấm của chính phủ, theo AFP.
Tranh cãi về lệnh cấm
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 ký ban hành luật mới, ra thời hạn đến ngày 19.1.2025 để ByteDance (trụ sở tại Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ hoặc mạng xã hội này sẽ bị cấm. Nhà lãnh đạo có thể gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance đang xúc tiến hợp đồng bán. TikTok là mạng xã hội phổ biến, có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ nhưng từ lâu trở thành mối lo ngại của các nhà lập pháp, những người cho rằng nền tảng này có thể tuồn dữ liệu của người dùng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc. TikTok và Bắc Kinh đã bác bỏ những lo ngại này.
Theo Reuters, ByteDance và TikTok cho rằng việc thoái vốn là không khả thi về mặt công nghệ, thương mại lẫn pháp lý. Công ty cho rằng nếu tòa án không ra phán quyết ngăn chặn, TikTok sẽ phải chịu lệnh cấm chưa từng thấy vào đầu năm sau, “làm câm lặng những người sử dụng nền tảng này để giao tiếp theo cách mà không thể sao chép ở bất kỳ nơi nào khác”. Nguyên đơn tuyên bố lệnh cấm của chính phủ Mỹ là vi hiến và xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Đáp lại, chính phủ Mỹ cho rằng luật được Tổng thống Biden ký nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia và ByteDance không thể đòi quyền tự do ngôn luận như trong Tu chính án thứ nhất của hiến pháp tại Mỹ.
Lệnh cấm tiềm tàng có khả năng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc và làm căng thẳng thêm mối quan hệ của nước này với Mỹ. Những người phản đối cho rằng lệnh cấm sẽ gây ảnh hưởng ngành tiếp thị, bán lẻ và cuộc sống của những nhà sáng tạo nội dung, vốn đã khởi kiện chính phủ hồi tháng 5. Nhà Trắng khẳng định biện pháp chỉ nhằm chấm dứt quyền sở hữu của Trung Quốc đối với TikTok vì lý do an ninh chứ không phải để loại TikTok khỏi Mỹ.
Mỹ kiện TikTok vì thu thập thông tin cá nhân trẻ em
Kết cục khó đoán
Mặc dù đã ký ban hành luật nhưng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden, hiện đã dừng lại, cũng như người tranh cử thay thế ông là Phó tổng thống Kamala Harris đều sử dụng TikTok để nhắm đến lớp cử tri trẻ tuổi. Đối thủ tranh cử của bà Harris, cựu Tổng thống Donald Trump từng đề xuất cấm TikTok khi còn đương chức nhưng hiện đã quay sang phản đối lệnh cấm. Cựu tổng thống cho rằng những người trẻ “sẽ phát điên” nếu thiếu TikTok và lệnh cấm sẽ có lợi cho Facebook, mạng xã hội mà ông miêu tả là “kẻ thù của nhân dân”. Truyền thông Mỹ chỉ ra rằng ông Trump đảo ngược quan điểm về TikTok sau cuộc gặp với tỉ phú Jeff Yass, nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và là cổ đông lớn của TikTok.
Bất kể phán quyết được đưa ra như thế nào, vụ kiện nhiều khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. TikTok và Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị tòa phúc thẩm quyết định trước ngày 6.12 để Tòa án Tối cao có thời gian xem xét trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Giới chuyên gia pháp lý cho biết hầu hết lý lẽ của chính phủ Mỹ liên quan lo ngại về an ninh quốc gia trong vụ kiện không được công khai nên khó để dự đoán phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, họ tin rằng Tòa án Tối cao Mỹ khó đặt nặng tầm quan trọng của lo ngại an ninh quốc gia hơn việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tiktok-cho-ngay-phan-quyet-tai-my-185240916220057026.htm