Bệnh do chưa có chế độ ăn, vận động phù hợp
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3 với chủ đề “Tuổi trẻ thủ đô – khỏe để bảo vệ Tổ quốc”, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô, được Báo Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế) tổ chức hôm nay 21.9, tại Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (chiến lược).
Chiến lược đưa ra các mục tiêu cụ thể về thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên. Mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng từ 2 – 2,5 cm, đối với nam; và 1,5 – 2 cm đối với nữ, so với năm 2020.
Chiến lược cũng đưa ra các mục tiêu kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Cụ thể, với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ này ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11% và khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5 – 18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 13%).
Người trưởng thành 19 – 64 tuổi tỷ lệ thừa cân béo phì ở mức dưới 20% (khu vực thành phố ở mức dưới 23% và khu vực nông thôn ở mức dưới 17%) vào năm 2025; và duy trì ở mức đó đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đời sống có nhiều cải thiện, chúng ta không lo chuyện đủ ăn nữa mà đang lo chuyện ăn sao cho vừa. Trong thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng cao, do đa số bắt nguồn từ việc không biết ăn sao cho vừa, chưa có chế độ tập, vận động thể lực phù hợp.
Ông Thuấn đánh giá, còn không ít người dân chưa quan tâm đến việc thực hành dinh dưỡng một cách khoa học và rèn luyện thể dục hợp lý. Do đó, ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam góp phần lan tỏa tinh thần dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý tới công chúng.
Phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt
Tư vấn tại ngày Dinh dưỡng cộng đồng, các bác sĩ lưu ý, để kiểm soát cân nặng, trước hết cần có lối sống lành mạnh, tích cực, chế độ ăn cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao trong ngày.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt các khuyến nghị: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường; không hút thuốc lá, tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao; duy trì tập thể dục, vận động thể lực phù hợp ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.
Với trẻ nhỏ, để đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành, gia đình và nhà trường cần giúp cho trẻ có các điều kiện không gian, thời gian tăng cường hoạt động thể lực.
Cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội; hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây…
Cùng với chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực mang lại hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay trong khuôn khổ chương trình ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 3, ông đã khám cho khoảng 50 người, trong đó chủ yếu là người trung và lớn tuổi, trẻ em.
Đối với người lớn, các bệnh lý ghi nhận nhiều là tiểu đường, huyết áp, thừa cân và xương khớp; trẻ em là béo phì.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-biet-an-sao-cho-vua-lam-gia-tang-benh-man-tinh-185240921185432749.htm