Bệnh nhân D. (24 tuổi, tại Phú Thọ) có dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp tăng cao không rõ nguyên nhân nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Sau khi làm các kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận ạnh bị suy thận giai đoạn cuối. Mặc dù trước đó anh vẫn đi làm bình thường, không có dấu hiệu sức khỏe bất thường nào.
Sau khi được các bác sĩ tại Trung tâm Thận – Lọc máu tư vấn các phương pháp điều trị bao gồm lọc máu chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu màng bụng và điều trị thay thế thận và ghép thận, người bệnh và gia đình đã quyết định lựa chọn phương pháp ghép thận để tránh phải chạy thận nhân tạo chu kỳ. Người cho thận chính là mẹ của người bệnh.
Ngày 27/8, ca phẫu thuật lấy thận từ người mẹ và ghép thận cho người con đã được các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công.
Bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa phú Thọ, cho biết ekip đã quyết định lấy thận bên trái của mẹ bệnh nhân D., thực hiện ghép cho bệnh nhân. Thận sau ghép chức năng tốt, có nước tiểu ngay. Sau 16 ngày ghép thận, sức khỏe anh D. ổn định, đã được cho ra viện.
Ai có nguy cơ mắc suy thận?
Suy thận là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Những người có nguy cơ mắc suy thận bao gồm:
– Người thường xuyên có chế độ ăn uống không lành mạnh.
– Người có bệnh lý nền không kiểm soát tốt. Trong đó có rất nhiều trường hợp suy thận do đái tháo đường. Tùy theo bệnh kéo dài nhiều năm hay mới mắc sẽ kéo theo suy thận kèm theo mức độ nào.
– Người không đi khám sức khỏe định kỳ, không phát hiện bệnh lý tiềm tàng trong cơ thể.
– Hoặc có những trường hợp bệnh nhân nghe theo các thông tin trên mạng, truyền miệng… điều trị bệnh bằng các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Điều này có thể dễ dàng dẫn đến ngộ độc thận.
Làm gì để phòng ngừa suy thận
Để giảm các nguy cơ gây suy thận, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và kiểm soát bệnh lý nền tốt. Cụ thể, cần ăn giảm muối, uống đủ nước trong ngày và ăn giảm lượng đạm để tránh quá tải cho thận. Việc uống đủ nước không chỉ tốt cho hoạt động của thận mà còn tốt cho cả cơ thể.
Bên cạnh đó, việc ăn mặn làm tăng lượng muối nạp vào cơ thể. Và nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm thận quá tải gây ra tình trạng tăng huyết áp nặng thêm bệnh lý suy thận.
Kèm theo đó là chế độ luyện tập hàng ngày, ăn uống điều độ và ăn sạch. Cần hạn chế đồ ăn mặn, ăn quá ngọt, quá nhiều chất béo, không hút thuốc lá uống rượu bia…
Bên cạnh đó cần giảm căng thẳng trong cuộc sống. Việc thay đổi chế độ lối sống là rất quan trọng giúp phòng ngừa và ngăn các biến chứng suy thận. Bên cạnh đó, cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng -1 năm/lần.
Người mắc bệnh thận cần tuân thủ quá trình điều trị của bác sĩ. Trong đó đặc biệt lưu ý việc điều trị các bệnh nền gây suy thận.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp hiệu quả hơn trong quá trình điều trị bệnh.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-3-dau-hieu-nay-thanh-nien-24-tuoi-o-phu-tho-di-kham-bang-hoang-phat-hien-suy-than-giai-doan-cuoi-172240920211721812.htm