Tin mới y tế ngày 21/9: Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh
Nghiên cứu, lưu trữ, ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào là xu hướng của y học hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh
Tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam do Cục khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung về tăng cường công tác quản lý chất lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam.
Nghiên cứu, lưu trữ, ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào là xu hướng của y học hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân. |
Với tinh thần đổi mới sáng tạo và đồng bộ về hành lang pháp lý, định hướng phát triển, triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, chuyển giao áp dụng kỹ thuật/thương mại hóa sản phẩm, trong thời gian tới công tác nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào sẽ có bước phát triển đúng hướng, tuân thủ quy định pháp luật, hội nhập với khu vực và thế giới, đem lại nhiều kết quả thiết thực hơn nữa để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá, trong những năm vừa qua, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Trong đó, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới nói chung và nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào đã bước đầu đưa ra các phác đồ mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới có tiềm năng, cung cấp thêm cho thầy thuốc các lựa chọn để áp dụng vào công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các nước phát triển hiện nay mới chủ yếu cho phép nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng các phương pháp này, đặc biệt là tế bào gốc, còn việc ứng dụng vào điều trị được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định và luật pháp hết sức nghiêm ngặt.
Còn theo TS.guyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo nhấn mạnh, Bộ Y tế tham khảo ứng dụng thực tế từ các khu vực, quốc gia, đưa vào nội dung pháp luật với mục tiêu tạo điều kiện phát triển nghiên cứu y khoa mới, kỹ thuật mới, công nghệ mới phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học, y học tái tạo. Trong đó, trị liệu từ tế bào và sản phẩm tế bào là lĩnh vực được Bộ Y tế chú trọng.
Cũng theo TS/Quang, các nước đều có quy định chặt chẽ về nghiên cứu ứng dụng tế bào; có phân loại nguy cơ về những vấn đề liên quan nghiên cứu tế bào và ứng dụng tế bào; phát triển thành thuốc và sản phẩm thương mại. Phân loại dựa trên nguy cơ: tế bào đó thuộc nguồn tế bào tự thân hay tế bào đồng loài.
Khi thẩm định hồ sơ cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm trên người cũng dựa vào phân biệt nguy cơ như thấp, trung bình và cao. Từ phân loại nguy cơ buộc phải thông qua Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh; sau khi được phân loại tế bào gốc và sản phẩm tế bào gốc và sản phẩm tế bào gốc là hết sức quan trọng.
Vị này dẫn chứng, các nước như Nhật, Mỹ, hay châu Âu đều coi trị liệu tế bào là có nguy cơ cho người và đều chia cấp độ nguy cơ của trị liệu tế bào. Các cơ quan quản lý đều quy định đây là phương pháp mới, kỹ thuật mới, cần được Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh thẩm định, đánh giá để đưa ra các yêu cầu nghiên cứu…
TS.Thẩm Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc Tâm Anh cho biết, ứng dụng tế bào gốc tạo máu đã được sử dụng trong nhiều kỹ thuật, tại nhiều nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam.
Trung tâm Tế bào gốc còn phối hợp với các đơn vị lâm sàng triển khai các kỹ thuật mới, đưa liệu pháp dựa trên tế bào vào ứng dụng điều trị cho người bệnh.
TS.Nga nhấn mạnh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chú trọng đẩy mạnh thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc trung mô trong điều trị thoái hóa khớp. Thử nghiệm này tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Bộ y tế và Hội đồng đạo đức Quốc gia để đảm bảo lợi ích của người bệnh cũng như độ tin cậy của nghiên cứu.
Hiện nay, Trung tâm Tế bào gốc, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai áp dụng dịch vụ đã được cấp phép là Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn, mô dây rốn; phối hợp cùng Viện nghiên cứu Tamri, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn trong điều trị thoái hóa khớp; kết hợp với huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…. Các nghiên cứu này bước đầu cho kết quả điều trị khả quan, an toàn, hiệu quả giảm đau tốt, vận động tốt, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Còn trăn trở về dịch vụ này, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho hay, vi phạm thường gặp trong lĩnh vực tế bào gốc, đó là, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; quảng cáo sai thông tin, vượt quá phạm vi chuyên môn, không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Quảng cáo tế bào gốc chữa bách bệnh, lại không phải là các cơ sở được cấp phép về khám chữa bệnh; không do Sở Y tế cấp phép.
Ông Dũng nhấn mạnh việc cần làm tốt về phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm để bảo vệ các cơ sở triển khai các liệu pháp tế bào gốc đã được cấp phép, thực sự có hiệu quả trong ứng dụng; đồng thời cần tiếp tục siết chặt hoạt động thẩm định, cấp phép liên quan điều trị tế bào gốc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, không phải là quy định khó hay khó hơn, mà cần rõ ràng về quy định pháp lý để cấp phép, quản lý và xử lý vi phạm, tạo điều kiện để người có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ, liệu pháp tế bào chất lượng, thực sự hiệu quả.
Mối nguy kháng thuốc với sức khỏe con người
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 25/09/2023. Chiến lược là nền tảng để triển khai các giải pháp, hành động để đạt được mục tiêu giảm tình trạng kháng thuốc.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Hà Anh Đức cho biết, Bộ Y tế đã và đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc như truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân và hậu quả kháng kháng sinh;
Đồng thời đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sỹ, dược sỹ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm; thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dược lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Mặc dù vậy, theo TS.Hà Anh Đức tình trạng kháng kháng sinh vẫn gia tăng và là một thách thức lớn của ngành y tế. Đòi hỏi gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan và người dân đối với vấn đề này.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.
Tại châu Âu, số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, kém phát triển.
Cảnh báo bệnh tim mạch ở người trẻ
GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tim mạch vốn gặp ở người già thì nay tấn công sang cả những người còn rất trẻ và là gánh nặng y tế lớn. Trong đó, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ tử vong trên 70%.
Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì hoặc có yếu tố gia đình.
Chỉ riêng Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi năm, trong số 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch thì có 15%-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Có những người 25-30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, phải can thiệp. Trong cộng đồng, tỉ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, đa số nằm trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì hoặc có yếu tố gia đình.
Lý giải nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng phổ biến ở người trẻ, các chuyên gia tim mạch cho rằng có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch.
Ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống (như hút thuốc lá, thuốc lào, lười vận động, béo phì, huyết áp, đái tháo đường) thì hiện nay tìm ra thêm những yếu tố nguy cơ mới. Đó là các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, stress (căng thẳng), thức khuya…
“Đối với người trẻ, nhiều người bệnh có yếu tố tích lũy nguy cơ sớm hơn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn uống đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, công việc stress, ô nhiễm môi trường hơn và lười vận động”, GS.Hùng nói.
Điều đáng nói phân nửa trong số bệnh nhân mắc bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm. Đây thật sự là con số đáng báo động. “Trong khi người dân rất sợ hãi khi nghe đến ung thư nhưng tỉ lệ tử vong do suy tim cao hơn so với các bệnh ung thư thường thấy như ung thư vú hay ung thư đại trực tràng.
Theo các bác sỹ, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau này.
Cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đau tức vùng ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng… nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim kịp thời.
PGS-TS.Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý thêm nên phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ, kể cả khi còn là những đứa trẻ. Bởi trẻ béo phì có thể gặp các biến chứng tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, dày cơ tim, rối loạn mỡ…
Chế độ ăn hằng ngày cần tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau quả để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất và chất xơ… Đây đều là những chất dinh dưỡng tốt giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Đối với người bệnh tăng huyết áp, chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc được đặc biệt khuyến khích. Ngoài ra, nên hạn chế lượng thịt tiêu thụ hằng ngày.
Nếu có thể, nên lập kế hoạch ăn 2-3 bữa không thịt mỗi tuần và hạn chế ăn thịt đỏ, không ăn quá 1 bữa mỗi tuần; tránh ăn mỡ và nội tạng động vật. Đặc biệt cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là tình trạng tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh, bia rượu, các chất kích thích và nên tăng cường tập thể dục
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-219-ung-dung-te-bao-goc-trong-dieu-tri-benh-d225508.html