Phân tích cho thấy cư dân của hòn đảo này, nằm cách lục địa Nam Mỹ khoảng 3.700 km, đã đến châu Mỹ vào những năm 1300 – rất lâu trước khi Christopher Columbus tìm ra Tân Thế giới năm 1492.
Những người đầu tiên đặt chân đến Rapa Nui là những người định cư ở Polynesia, vào khoảng giữa năm 800 đến năm 1200 sau Công nguyên. Rapa Nui nổi tiếng với những bức tượng đá lớn nằm rải rác trên những ngọn đồi và đồng bằng của nó từ rất lâu. Hiện nay trên đảo không có người, những cư dân chỉ xuất hiện cách đó gần nhất 2000 km và cách bờ biển Chile 3500 km.
Nhà địa lý Jared Diamond trong cuốn sách “Collapse” xuất bản năm 2005 của ông đã sử dụng Đảo Phục Sinh như một câu chuyện để cảnh báo về việc khai thác tài nguyên có thể dẫn đến sự tranh cướp nội bộ, suy giảm dân số thảm khốc, tàn phá hệ sinh thái và nền văn minh.
Nhưng điều đó vẫn đang gây tranh cãi, các bằng chứng khảo cổ học khác cho thấy Rapa Nui là nơi sinh sống của một xã hội tuy nhỏ nhưng bền vững.
Phân tích mới đây đã đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng DNA cổ đại để trả lời câu hỏi liệu Đảo Phục Sinh có từng trải qua sự sụp đổ xã hội hay không, giúp làm sáng tỏ quá khứ bí ẩn của nơi này.
Bộ gen Đảo Phục Sinh
Để “đào” sâu hơn về lịch sử của Rapa Nui, các nhà nghiên cứu đã giải trình tự bộ gen của 15 cư dân đã sống trên đảo 400 năm qua. Những di vật này được lưu giữ tại Bảo tàng Con người Musée de l’Homme tại Paris, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp.
Theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên tạp chí khoa học Nature, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về hiện tượng “thắt cổ chai” ở quần thể hay sự giảm sút mạnh về dân số.
Thay vào đó, hòn đảo này là nơi sinh sống của một nhóm dân số nhỏ có quy mô tăng dần đều cho đến những năm 1860, theo phân tích. Tại thời điểm này, nghiên cứu lưu ý, những kẻ cướp đã bắt một phần ba dân số di dời khỏi hòn đảo.
Đồng tác giả của nghiên cứu, J. Víctor Moreno-Mayar, phó giáo sư về di truyền học tại Viện Địa cầu của Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, cho biết: “Chắc chắn không có sự sụp đổ nào khiến 80-90% dân số thiệt mạng như người ta vẫn tranh luận”.
Bộ gen cũng tiết lộ rằng người dân đảo Phục Sinh đã trao đổi gen với một nhóm người châu Mỹ bản địa, cho thấy cư dân nơi đây đã vượt đại dương đến Nam Mỹ vào khoảng thời gian giữa năm 1250 và 1430, trước khi Columbus đến châu Mỹ, và trước cả khi người châu Âu đến Rapa Nui vào năm 1722.
Những cư dân người Polynesia
Các bộ gen cổ đại ngày càng chứng minh rằng lý thuyết về sự sụp đổ dân số trên Đảo Phục Sinh là một câu chuyện sai sự thật, theo Matisoo-Smith cho biết.
“Chúng tôi biết rằng những người Polynesia đã khám phá ra Rapa Nui và định cư đây ít nhất 800 năm trước, họ là một trong những nhà hàng hải và nhà thám hiểm vĩ đại nhất thế giới”, bà nói trong một tuyên bố được Trung tâm truyền thông khoa học của New Zealand chia sẻ.
“Tổ tiên họ đã sống ít nhất 3000 năm ở đại dương. Họ đã bang qua hàng nghìn km đại dương và tìm ra hầu hết các hòn đảo có thể sinh sống trên khắp Thái Bình Dương rộng lớn. Sẽ đáng ngạc nhiên hơn nếu họ không tìm được bờ biển Nam Mỹ”.
Matisoo-Smith nói rằng các học giả tại các khu vực Thái Bình Dương đã đặt câu hỏi về sự diệt chủng sinh thái và sự sụp đổ của xã hội dựa trên một loạt bằng chứng khảo cổ học.
“Nhưng cuối cùng, chúng ta đã có DNA cổ đại trả lời hai câu hỏi này và có lẽ sẽ cho phép chúng ta biết về một câu chuyện thực tế hơn về lịch sử của hòn đảo này”, bà nói.
Ngoài ra, một nghiên cứu dựa trên hình ảnh vệ tinh về vùng đất từng được sử dụng để trồng trọt, được công bố vào tháng 6, đã đi đến kết luận tương tự.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/dna-co-dai-bac-bo-ve-su-sup-do-cua-nen-van-minh-dao-phuc-sinh-post312434.html