Hải Phòng bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất sau bão số 3
Chiều 18/9, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm lắng nghe, trao đổi các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 để ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề cho hầu hết các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng.
Nhiều cây xanh trong các KCN bị gãy đổ, hệ thống hạ tầng, viễn thông bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề như Công ty TNHH Liên doanh KCN Đồ Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ (KCN Nam Đình Vũ), các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng của Tổ hợp KCN DEEP C. Đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, theo thống kê sơ bộ có khoảng 200 doanh nghiệp trên tổng số 568 doanh nghiệp tại Hải Phòng bị thiệt hại sau bão, với số tiền khoảng 480 tỷ đồng.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ nhiều nội dung cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tại Hội nghị |
Đến nay, mặc dù các doanh nghiệp trong các KCN, khu kinh tế tại Hải Phòng đã hoạt động sản xuất trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp cần ít nhất 3 tháng để phục hồi. Các doanh nghiệp mong muốn các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bị ảnh hưởng bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.
Tại hội nghị, ông Jung Hyeok, Tổng giám đốc Công ty LS Metal Vina đại diện cho nhóm doanh nghiệp trong KCN DEEP C đề nghị một phần tiền lương của người lao động do ngừng sản xuất được bảo hiểm xã hội chi trả. Điều này sẽ giúp các công ty giữ chân người lao động, giảm bớt gánh nặng tài chính. Bên cạnh đó, mong muốn hoãn các cuộc điều tra và thanh tra của các cơ quan Chính phủ như hải quan, cơ quan thuế và cơ quan phòng cháy chữa cháy cho đến khi quá trình phục hồi hoàn tất, để các công ty có thể tập trung hoàn toàn vào các nỗ lực phục hồi.
Ông Jung Hyeok, Tổng giám đốc Công ty LS Metal Vina (áo tối màu) – đại diện cho nhóm doanh nghiệp trong KCN DEEP C nêu các đề xuất |
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong KCN DEEP C cũng đồng đề nghị giảm tạm thời nhiều loại thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiền điện, tiền nước để giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình phục hồi. Các công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm, cho phép các công ty bị ảnh hưởng bảo đảm được quỹ phục hồi càng sớm càng tốt.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN DEEP C cam kết sẽ nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng này và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và tạo việc làm cho người lao động.
Một số hình ảnh thiệt hại của các doanh nghiệp trong KCN DEEP C được ghi nhận ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua. |
Theo ông Nobuharu Shiina, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam, cùng với việc rà soát các thiệt hại chung của doanh nghiệp, công ty cũng đã đề nghị người lao động báo cáo thiệt hại của gia đình mình để công ty báo cáo lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ một phần giúp người lao động yên tâm làm việc.
Đại diện các doanh nghiệp khác đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến nhập khẩu trang thiết bị hỏng hóc của doanh nghiệp do tác động của bão số 3. Hiện, các doanh nghiệp đang tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động như hỗ trợ gạo, tiền mặt, cho nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương trước và sau bão để chăm lo nhà cửa, cũng như đề xuất với công ty mẹ hỗ trợ thiệt hại sau bão.
Tại buổi làm việc, ông Trần Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, làm việc không quản giờ giấc để doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục, sớm ổn định sản xuất.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, làm việc không quản giờ giấc để doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục, sớm ổn định sản xuất |
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp tại hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, đối với những việc thuộc thẩm quyền của Thành phố, Ban quản lý sẽ trực tiếp báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố để đưa ra các quyết định hỗ trợ kịp thời. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, lãnh đạo ban sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra các giải pháp có lợi nhất cho doanh nghiệp như sẽ công bố tình trạng khẩn cấp ở KCN DEEP C, cùng với doanh nghiệp làm việc với các công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm triển khai thủ tục bồi thường sớm nhất.
Đồng thời, Ban quản lý cũng đề nghị các công ty kinh doanh hạ tầng xem xét giảm thuế, phí. Ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất, đầu tư thiết bị mới. Các cơ quan liên quan cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế, phí để có thêm thời gian phục hồi sản xuất và một số nội dung khác.
“Mong muốn lớn nhất của thành phố thời điểm này là các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, phục hồi, chung tay cùng xây dựng thành phố phát triển, nhanh, mạnh, bền vững, đồng thời bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ như sau đại dịch Covid-19, đảm bảo chuỗi cùng ứng liên tục của các doanh nghiệp tại Hải Phòng trong thị trường toàn cầu”, ông Lê Trung Kiên khẳng định.
Nguồn: https://baodautu.vn/hai-phong-ban-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-on-dinh-san-xuat-sau-bao-so-3-d225296.html