Hội nghị được tổ chức vào chiều ngày 20/9 |
(PLVN) – Đó là chỉ đạo của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội nghị triển khai giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng hỗ trợ khách hàng sau cơn bão số 3, được tổ chức ngày 20/9/2024.
Dư nợ thiệt hại đã lên đến 116.000 tỷ đồng
Ngày 20/9, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng hỗ trợ khách hàng sau cơn bão số 3. Cuộc họp được tổ chức kết nối trực tuyến tới 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sau bão.
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ban hành văn bản đề nghị tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phối hợp địa phương để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 để giúp doanh nghiệp, người dân, địa phương khắc phục các thiệt hại sau bão lũ. Theo Thống đốc NHNN, tại nghị quyết này, NHNN được giao nhiệm vụ “căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, NHNN sẽ nghiên cứu và nhanh nhất có thể để trình Chính phủ những chính sách liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, mức trích lập… bởi theo luật mới là thẩm quyền của Thủ tướng, để từ đó có thể xây dựng chính sách riêng cho đối tượng giãn hoãn nợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Cùng với đó, NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Nói về các thiệt hại sau bão, lãnh đạo NHNN khẳng định, dự kiến những con số về thiệt hại sẽ còn gia tăng. Tính đến ngày 20/9, con số thiệt hại đã lên đến 116.000 tỷ đồng với 83. 418 khách hàng bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại lớn nhất tính theo dư nợ của tỉnh là Yên Bái với tổng dư nợ ảnh hưởng chiếm 18,55%; Hải Phòng dư nợ thiệt hại chiếm 10,65% (trong tổng số dư nợ 234.000 tỷ đồng); Quảng Ninh chiếm 7% (trong tổng số dư nợ 190.000 tỷ đồng); Hải Dương 8,4% (trong tổng số 142.000 tỷ); Hà Nội bị ảnh hưởng 31.000 tỷ đồng (trong tổng số dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng)…
Cam kết hỗ trợ là phải thực hiện đồng bộ
Tại hội nghị, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị, với các khách hàng đã vay và mất trắng đề nghị áp dụng các quy định trong Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng thêm cho các lĩnh vực như Công Thương, Xây dựng… Đồng thời có thể làm thủ tục để hồ sơ khoanh nợ – giãn nợ nhanh nhất có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Huy cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện vấn đề lãi suất để khách hàng, người dân có thêm quyết tâm để bắt đầu lại bởi người dân rất quyết tâm “mất từ biển sẽ làm lại từ biển”.
Đây cũng là kiến nghị của ông Trần Minh Đạt – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội. Ông Đạt cho rằng, cần phải sớm triển khai các hoạt động giãn hoãn nợ và phải triển khai đồng bộ trên toàn bộ hệ thống để đảm bảo việc chuyển nhóm nợ đồng loạt cho các khách hàng.
Đáng chú ý, trong số những thông báo, cam kết được đưa ra tại hội nghị, Ngân hàng Tiên Phong cho biết, đã đưa ra chính sách có thể giảm đến 50% lãi suất hiện hành cho khách hàng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá những gói chính sách đưa ra rất tích cực, trong đó có ngân hàng giảm đến 50% lãi suất hiện hành, đồng nghĩa với việc gần như ngân hàng chấp nhận lỗ để hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đề nghị, ngân hàng cần giảm lợi nhuận, tiết kiệm chi phí để có nội lực chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. “NHNN vừa chỉ đạo, vừa động viên, vừa kêu gọi các ngân hàng thương mại bằng năng lực của mình phải thể hiện sự hỗ trợ tương xứng và tương ứng với khó khăn của doanh nghiệp. Nói là làm, tránh hiện tượng để người dân doanh nghiệp kêu ca “lên ti vi mà vay lãi suất thấp” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý.
Ngoài ra, ông Tú cũng cho biết, sắp tới NHNN sẽ có chỉ thị về chương trình hành động để triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đồng thời lưu ý, các ngân hàng vừa thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải đảm bảo để có thể hoàn thành tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đã đề ra.
“Các TCTD cần phải có văn bản triển khai ngay xuống các chi nhánh để thực hiện các giải pháp mà các cam kết, công bố về hỗ trợ cho doanh nghiệp người dân mà các ngân hàng đã công bố trong ngày 20/9, để những cam kết chia sẻ này phải đi được đến người dân” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nguồn: https://baophapluat.vn/cac-ngan-hang-da-cam-ket-ho-tro-la-phai-thuc-hien-post526107.html