Cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cơ quan trong việc phát huy giá trị của các di sản tư liệu
Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.HCM) bày tỏ quan tâm đến việc nội luật hóa quy định của hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới về di sản tư liệu.
Theo đại biểu, đây là văn bản hướng dẫn mang tính chất khuyến nghị và với mục đích tạo điều kiện để thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu của thế giới, đặc biệt ở những khu vực bị ảnh hưởng, xung đột hoặc thiên tai, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo vệ và phát huy di sản tư liệu. Đây cũng là một sáng kiến rất mới của UNESCO với các hướng dẫn hiện nay mang tính chất sơ bộ và cơ bản, thường xuyên có bổ sung, cập nhật.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu nội luật hóa các quy định của hướng dẫn này vào trong quy định của luật thì cần phải tính toán một cách rất kỹ lưỡng và đặc biệt nên theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cơ quan trong việc phát huy giá trị của các di sản tư liệu. Không nên đặt ra các trách nhiệm cũng như là nghĩa vụ, đặc biệt là việc hành chính hóa các nội dung liên quan đến các thủ tục để yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải thực hiện.
“Chẳng hạn như ở Điều 54 chúng ta đang giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chỉ đạo việc nhận diện, thống kê, rà soát, cập nhật danh mục di sản tư liệu hằng năm” – đại biểu nói và cho rằng quy định này sẽ đặt ra một khối lượng công việc rất lớn cho các cơ quan nhà nước, trong khi các cơ quan đã phải thực hiện các trách nhiệm liên quan đến lưu trữ các tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Nêu ý kiến về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng quy trịnh giải thích từ ngữ tại khoản 3 vẫn còn thiếu, vì trên thực tế bên cạnh các công trình, cụm công trình hiện nay vẫn còn tên gọi là quần thể di tích, quần thể danh thắng.
Theo nữ đại biểu, đây là cụm từ được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh đối với một số quần thể trên đất nước chúng ta, như quần thể di tích Cố đô, quần thể danh thắng Tràng An. Quần thể di tích và danh thắng bao gồm nhiều công trình nhân tạo và tự nhiên trải rộng trên địa bàn rất lớn và có tính gắn kết hài hòa với nhau, tạo nên một hệ thống vừa mang dáng dấp tự nhiên xen lẫn với những công trình nhân tạo.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải bổ sung cụm từ “quần thể” vào trong quy định này để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với tên gọi vinh danh của tổ chức quốc tế.
Nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy định về quần thể di sản
Góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ nội dung liên quan đến nội hàm về danh lam thắng cảnh. Theo giải thích từ ngữ tại khoản 4 Điều 3 và điểm c khoản 4 Điều 22, đại biểu nhận thấy có sự trùng lặp với nội hàm về di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng, đầy đủ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bảo đảm sự thống nhất giữa 2 luật và trong đó cần thiết phải dẫn chiếu đến Luật Bảo vệ môi trường đối với các quy định về danh lam thắng cảnh, nếu không việc áp dụng sẽ có những bất cập. Đồng thời, Luật cũng cần phải quy định rõ về di sản thiên nhiên, trong đó dẫn chiếu áp dụng Luật Bảo vệ môi trường và các quy định đặc thù trong quản lý và khai thác.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh đối với quy định về quần thể di sản.
Đại biểu cho biết, theo Công ước 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới do UNESCO công nhận có quy định về quần thể di sản. Trong này các quần thể gồm các nhóm công trình đứng một mình hoặc quần tụ các giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học do kiến trúc và sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hóa của chúng vào cảnh quan, đây là định nghĩa trong Công ước 1972. Vấn đề này cần phải nghiên cứu để đưa vào phạm vi điều chỉnh.
Đại biểu cũng cho hay, việc phục dựng các di tích lịch sử, các quần thể di sản đã và đang được lên kế hoạch cũng như thực hiện. Xu hướng này sẽ càng ngày càng rõ hơn và ở nước ta thực sự đã hình thành, thậm chí trở nên phổ biến với những đặc tính, ví dụ sự tích tụ, tính đa dạng các loại di sản, không gian rộng mở và qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đặc tính nữa là có nhiều chủ sở hữu và nhiều chủ sử dụng hay là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản có tính cấp thiết, vì vậy không thể được xếp vào di tích hỗn hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của dự thảo luật.
“Việc quy định này sẽ bảo đảm tính thống nhất giữa 3 luật là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và Luật Di sản văn hóa. Trên thực tế tại dự thảo khoản 2 Điều 34 đã có quy định về vấn đề quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, trong này cũng có các nội hàm phản ánh quần thể di tích. Vì vậy việc bổ sung phạm vi điều chỉnh ở đây là phù hợp” – đại biểu Tạ Đình Thi nêu ý kiến.
Về khoản 2 Điều 24 quy định về di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đại biểu Tạ Đình Thi cũng nêu quan điểm nên sửa lại theo hướng là các tiêu chí để đề nghị UNESCO công nhận, trong dự thảo hiện nay thiết kế là quy định UNESCO công nhận là chưa phù hợp.
Nguồn: https://toquoc.vn/can-quy-dinh-theo-huong-khuyen-khich-cac-to-chuc-ca-nhan-phat-huy-gia-tri-cua-cac-di-san-tu-lieu-20240919091951694.htm