PV: Thưa ông, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện các giải pháp nào để phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Hậu Giang?
Ông Lê Văn Sơn:
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 13 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận pháp nhân đang hoạt động; có 157 cơ sở thờ tự, 127 cơ sở tín ngưỡng dân gian với 731 chức sắc, 1.529 chức việc và 206.298 tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 26,5% dân số của tỉnh. Do đặc điểm, lịch sử phát triển, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh hình thành phân tán theo địa bàn cư trú, đan xen trong nhân dân.
Hầu hết 75 xã, phường, thị trấn của tỉnh Hậu Giang đều có cơ sở thờ tự, tín đồ tôn giáo. Tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ổn định theo quy định của pháp luật, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của một bộ phận nhân dân tại địa phương được đảm bảo, phát huy dân chủ trong các tầng lớp nhân dân.
Các tôn giáo được các cấp chính quyền và MTTQ các cấp tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động thường xuyên, nhất là lễ trọng. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tin vào Ðảng, Nhà nước, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy vai trò các tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường vận động các tôn giáo tham gia tốt phong trào thi đua yêu nước, trong đó chú trọng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời tổ chức Hội thi mô hình “Tôn giáo với môi trường xanh”.
Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” đã góp phần tạo điều kiện cho các tôn giáo chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH); khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực bảo vệ môi trường sống của hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hội thi đã giúp các chức sắc, chức việc và hơn 90% tín đồ các tôn giáo dần thay đổi dần nhận thức và có đăng ký hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Cùng với việc duy trì Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh”, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các địa phương còn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; vệ sinh cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, hoa kiểng, thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang ngày càng xanh, sạch, đẹp, bền vững.
PV: Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những hoạt động nào nổi bật góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dự nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Lê Văn Sơn:
Trong thời gian qua, MTTQ và tổ chức thành viên các cấp tỉnh Hậu Giang đã tập trung tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử, bà con có đạo tham gia học tập và làm theo Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, hành động thiết thực với phương châm “mỗi cơ sở thờ tự làm một việc có ích cho cộng đồng”, “mỗi người làm một việc thiện”. Điều này vừa đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa phù hợp với giáo lý của các tôn giáo, điển hình như mô hình “Chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo học tập và làm theo Bác” tại huyện Châu Thành A hay mô hình “Xóm đạo bình yên giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường” tại Nhà thờ Vị Tín TP. Vị Thanh;…
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều vị chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo đã tích cực đồng hành cùng các cấp chính quyền và MTTQ các cấp tham gia đóng góp nhiều của cải, tài lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch.
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, các tôn giáo tỉnh Hậu Giang cũng đã hết lòng giúp người dân và đồng bào các tôn giáo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống thông qua mô hình “Giảm nghèo bền vững gắn môi trường xanh trong các tôn giáo”, qua đó đã thu hút hàng trăm chức sắc, chức việc trong 14 tôn giáo trên địa bàn hưởng ứng. Hàng năm các tôn giáo phối hợp với MTTQ ở cơ sở vận động các nguồn lực hỗ trợ cây con giống và các nguồn sinh kế để giúp hơn 150 tín đồ các tôn giáo thoát nghèo mỗi năm.
Cùng với đó, các tôn giáo cũng tích cực tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”; chương trình “Nối vòng tay nhân ái-tết cho người nghèo”; phối hợp với chính quyền xây dựng hàng chục cây cầu, tuyến đường ở nhiều tuyến dân cư; tổ chức khám bệnh và hốt thuốc nam miễn phí; tặng quà, xe lăn, xe lắc cho người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời hàng năm, các nhà tu hành, tổ chức tôn giáo còn tổ chức đến thăm, tặng quà cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng bào gặp khó khăn nhân dịp lễ, tết, lúc người dân gặp hoạn nạn khó khăn
PV: Để phát huy vai trò của các tôn giáo vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Sơn:
Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Hậu Giang tiếp tục vận động, chức sắc, nhà tu hành, tổ chức và đồng bào tôn giáo tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường vận động các tôn giáo tham gia tốt phong trào thi đua yêu nước, trong đó chú trọng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH gắn với giảm nghèo bền vững trong tín đồ các tôn giáo; đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo bền vững trong bà con tín đồ.
Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, tín đồ các tôn giáo tích cực bảo vệ sinh môi trường sống của hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do mặt trận chủ trì, đặc biệt là phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong việc thực hiện nội dung đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện tiêu chí thứ 17 trong xây dựng xã nông thôn mới.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tiếp tục vận động 100% các cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh có mô hình thực hiện Đề án Hậu Giang xanh với mục tiêu cụ thể như tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo 100% chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo được tiếp cận; phấn đấu 100% cơ sở tôn giáo có mô hình, hình thức cụ thể tham gia Đề án Hậu Giang xanh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!