(Dân trí) – Nghệ sĩ múa rối hay được gọi là “hiệp sĩ bóng tối” thường xuyên lội nước, mặc đồ cao su nặng 4- 5kg trong sân khấu tắt đèn. Họ có những bữa ăn vội, bị bệnh xương khớp, gặp không ít sự cố nghề nghiệp.
Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Múa rối nước ra đời từ nền văn minh lúa nước và là sự sáng tạo đặc trưng của người Việt Nam khi người nghệ sĩ điều khiển con rối dây dưới nước.
Bằng những động tác khéo léo, các nghệ sĩ đã điều khiển những con rối nước theo câu chuyện kể của mình. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam nằng nặc muốn tận mắt xem múa rối nước để thỏa mãn sự tò mò của mình.
Có thời gian, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn đỏ đèn với các suất chiếu đủ 365 ngày/năm với hơn 1 nghìn buổi biểu diễn. Sau dịch Covid-19, số buổi chiếu giảm đi. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Nhà hát đã đạt khoảng 800 buổi diễn ở Hà Nội và các tỉnh.
Để hiểu hơn về công việc của những nghệ sĩ múa rối, nhóm phóng viên Dân trí đã theo chân họ để “mục sở thị” cuộc sống của những “hiệp sĩ bóng tối” này.
15h, chúng tôi có mặt tại Nhà hát Múa rối Việt Nam trên đường Trường Chinh, Hà Nội – nơi diễn viên Phạm Hà My (SN 1990, bên phải) cùng đồng nghiệp tập luyện để chuẩn bị cho Chương trình xúc tiến điện ảnh và du lịch do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tại Mỹ vào ngày 21/9 tới.
Hà My từng là một nghệ sĩ múa, nhưng nghề múa tuổi đời ngắn nên cô đi học Đại học Kinh tế quốc dân và làm hành chính ở một Nhà hát khác. Vì nhớ nghề diễn nên khi biết Nhà hát Múa rối Việt Nam tuyển dụng, cô đã xin về để biểu diễn múa và học thêm về múa rối nước.
Sau một thời gian đào tạo, Hà My đã biểu diễn được múa rối nước và cô thấy may mắn khi được làm việc tại Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Hà My tiết lộ rằng, mức lương cơ bản của cô gần 6 triệu đồng/tháng, với mỗi buổi biểu diễn, cô và đồng nghiệp nhận cát-xê từ 3-400.000 đồng/buổi. Nữ nghệ sĩ cho hay, nếu chăm chỉ thì nghệ sĩ múa rối vẫn sống được với nghề.
Hà My thành thật, mình bận đến mức không có thời gian đi làm thêm. Vừa qua, Nhà hát thực các chương trình liên quan đến Trung thu, cuối năm là các chương trình báo cáo với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, rồi đi diễn ở nước ngoài.
Song song đó là các dự án diễn múa rối ở Phú Quốc, Đà Nẵng và các buổi diễn ở Nhà hàng Lục Thủy (Hàng Trống, Hà Nội)… nên các nghệ sĩ được phân công đi diễn khắp nơi làm show.
Đặc trưng của nghệ sĩ múa rối nước là điều khiển con rối dưới nước sâu. Có những ngày, Hà My và đồng nghiệp ngâm từ 10-12 tiếng dưới nước (tính cả thời gian luyện tập và biểu diễn).
Khi xuống nước, nghệ sĩ múa rối phải mặc một bộ quần áo cao su nặng từ 3-5kg. Những hôm trời nắng 38-39 độ họ vẫn phải mặc để diễn, dù dưới nước nhưng mồ hôi túa ra như tắm.
Xuống nước, bộ quần áo cao su thường dính chặt vào người, khiến cho việc di chuyển khó khăn hơn. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống 10-12 độ, họ vẫn diễn, nhiều hôm nghệ sĩ phải mặc 2 quần len, dùng miếng dán nhiệt vẫn… rét run cầm cập.
Hà My chia sẻ, nhiều hôm mực nước lên cao, nghệ sĩ diễn không để ý nên nước tràn vào trong bộ quần áo cao su khiến cho cả người diễn viên ướt nhẹp, nhưng họ vẫn phải diễn xong mới được thay trang phục.
Dầm mình trong nước bất kể thời tiết nóng, lạnh nên các nghệ sĩ múa rối nước luôn phải đối diện với những vấn đề về xương khớp. Nhiều người bị ốm, đau lưng kinh niên… Nhưng vì đam mê với nghề nên họ đã cố gắng để vượt qua khó khăn.
17h30 chiều, Hà My rời Nhà hát để về nhà. Cô kể, mình đang ở với bố mẹ nên hôm nào đi làm về sớm, cô sẽ nấu cơm. Nhưng cũng có thời gian cô đi công tác 3 tháng thì việc nhà cô nhờ bố mẹ hỗ trợ.
18h, Hà My về tới nhà và bắt tay vào nấu bữa tối. Nhà của Hà My nằm trong một chung cư trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội).
Cô nói, mình khá may mắn khi khoảng cách từ nhà đến cơ quan khá gần nên những hôm có nhiều show diễn, cô có thể tranh thủ về nhà ăn cùng bố mẹ rồi lại đến Nhà hát biểu diễn.
Hôm nay, bữa tối nhà Hà My diễn ra đơn giản và nhanh chóng vì đến 20h cô lại có buổi biểu diễn cùng đồng nghiệp tại Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Ông Phạm Hùng (SN 1959) và bà Thanh Thủy (SN 1969) là bố mẹ của Hà My. Họ cho biết luôn tôn trọng mọi quyết định của con gái. Khi Hà My rẽ sang làm nghệ sĩ múa rối, anh chị tuy có lo lắng nhưng luôn động viên con.
Hà My tranh thủ trang điểm để chuẩn bị đến Nhà hát diễn cùng đồng nghiệp. Cô kể, nghệ sĩ múa rối cũng từng gặp nhiều sự cố như khi vừa ra sân khấu, con rối bị đứt gãy, tuột khỏi sào…
Từng có nghệ sĩ bước từ ngoài vào sân khấu, thụt chân dưới nước, ướt hết và bị thâm tím người nhưng vẫn cố gắng diễn hết buổi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước buổi biểu diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam – cho biết, anh có 33 năm làm nghề. Theo anh, múa rối là nghề đặc thù nên môi trường và phương thức biểu diễn đặc trưng làm cho nghệ sĩ rất vất vả.
“Các nghệ sĩ múa rối vì ngâm nước lâu đều bị bệnh xương khớp, mùa đông có những động tác không thể đi găng tay, vì thế họ đã phải dùng tay trần điều khiển con rối cho đúng với âm nhạc, động tác…
Múa rối cạn thì nghệ sĩ phải quỳ nhiều giờ, phải giơ tay thời gian dài để điều khiển rối nên rất mỏi. Họ có những bữa ăn nhanh, ăn vội nhìn rất thương và xúc động”, NSND Nguyễn Tiến Dũng bộc bạch.
19h40, Hà My lại có mặt tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, hôm nay cô và đồng nghiệp có buổi diễn tại sân khấu thủy đình.
NSƯT Đỗ Thị Kha (SN 1970, ngoài cùng bên phải) vào nghề múa rối từ năm 1993. Trong 31 năm dầm mình dưới nước, chị luôn giữ vững tình yêu với những con rối nghệ thuật.
“Thú thực là có thời gian tôi thi vào một đơn vị khác, đã trúng tuyển nhưng tôi lại nghĩ, các cô các bác sống được sao mình lại không? Vì thế tôi đã ở lại và yêu nghề hơn”, NSƯT Đỗ Thị Kha tâm sự.
Phía trong sân khấu, chị cùng các nghệ sĩ mặc quần áo cao su ngâm mình dưới nước, cầm sào điều khiển con rối theo động tác. Con rối càng bị ngâm nước, càng nặng nên các diễn viên cũng phải có sức khỏe để điều khiển rối.
Theo NSND Tiến Dũng, có thời gian khi diễn múa rối nước, anh bị đau ê ẩm từ đỉnh đầu xuống cánh tay vì bị đau cơ, gai đôi cột sống. Sáng hôm sau tới Nhà hát, bước lên cầu thang đau quá phải bò, nhưng khi lên sân khấu thì anh quên hết và lại biểu diễn hăng say.
22h, chương trình kết thúc. Các nghệ sĩ ra sân khấu chào khán giả. Ở những sân khấu lưu động như ở nước ngoài hay ở các tỉnh, nghệ sĩ múa rối phải ở lại dọn dẹp bồn nước, đạo cụ nên có hôm 3h sáng mới được nghỉ nhưng họ vẫn đắm đuối và yêu nghề.
Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/ca-ngay-ngam-duoi-nuoc-nghe-si-mua-roi-nga-tim-nguoi-dau-bo-cau-thang-20240920021644600.htm