TỶ LỆ GIẢNG VIÊN LÀ TIẾN SĨ CÒN RẤT THẤP
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 85.000 giảng viên (GV) ĐH, CĐ sư phạm. Tuy nhiên, chỉ có 26.800 GV có trình độ tiến sĩ, chiếm 32%. Nếu tính theo khu vực, thì đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước với tỷ lệ 51,01%. Tiếp đến là Đông Nam bộ 24,66%, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung 11,67%, đồng bằng sông Cửu Long 7,21%, trung du miền núi phía bắc 4,52% và thấp nhất là khu vực Tây nguyên chỉ có 1,04%.
Như vậy, ngoại trừ khu vực đồng bằng sông Hồng thì còn rất nhiều trường ĐH ở các khu vực còn lại đang có tỷ lệ GV là tiến sĩ quá thấp so với tiêu chuẩn mà Bộ đề ra. Theo thông tin về 3 công khai của các trường, chỉ một số trường ĐH lớn ở các khu vực trên (trừ đồng bằng sông Hồng) là đáp ứng được, như Kinh tế TP.HCM, Bách khoa TP.HCM, Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Kinh tế – Luật TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Quốc tế TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng, Y dược Huế, Sư phạm Huế, Kinh tế Huế, Cần Thơ, Đà Lạt…
Trong khi đó, nhiều trường ĐH đang đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ này còn rất thấp. Trường ĐH Nam Cần Thơ có 1.072 GV, trong đó 8 giáo sư, 33 phó giáo sư, 222 tiến sĩ, hiện mới chỉ đạt 24,5%, còn thiếu tới 165 tiến sĩ mới đạt chuẩn. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 997 GV với 6 giáo sư, 12 phó giáo sư, 245 tiến sĩ, đạt 26,3%, còn thiếu 135 tiến sĩ. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 1.325 GV, trong đó 13 giáo sư, 60 phó giáo sư và 337 tiến sĩ, đạt 30%, còn thiếu 120 tiến sĩ. Trường ĐH Văn Lang tỷ lệ tiến sĩ mới đạt 22%, còn thiếu khoảng hơn 370 tiến sĩ. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đạt hơn 35%, còn thiếu khoảng gần 100 tiến sĩ. Trường ĐH Công thương TP.HCM đạt hơn 30%, còn thiếu 49 tiến sĩ; Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, đạt 34%, còn thiếu 16 tiến sĩ…
BẤT CẬP ĐỐI VỚI TRƯỜNG CHỈ ĐÀO TẠO 1 – 2 NGÀNH TIẾN SĨ ?
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng tiêu chí tỷ lệ GV toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trong tiêu chuẩn là rất khó thực hiện và không khả thi, nhất là đối với các trường ĐH ngoài công lập. Theo đó, ông Tuấn nhận định hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Việc thu hút và giữ chân GV có trình độ cao gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cơ sở giáo dục khác. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo tiến sĩ đòi hỏi thời gian dài và nguồn lực đáng kể.
“Trường ĐH Văn Lang đang đào tạo tiến sĩ ở một ngành là khoa học môi trường. Hiện nay, trường có hơn 2.000 GV cơ hữu, tỷ lệ có trình độ tiến sĩ đang là 22%. Vì thế, để đạt được 40% vào năm 2025, trường phải có thêm ít nhất 370 GV tiến sĩ. Và đến năm 2030 nếu giữ nguyên số lượng đội ngũ như hiện nay, thì trường phải có thêm ít nhất 580 tiến sĩ. Điều này là bất khả thi!”, tiến sĩ Tuấn thông tin.
Theo tiến sĩ Tuấn, có một bất hợp lý là một số trường dù chỉ đào tạo một ngành tiến sĩ nhưng vẫn áp dụng quy định “là cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ”, do đó tỷ lệ tiến sĩ vẫn phải áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo, như các trường có đào tạo hàng chục ngành tiến sĩ. “Thời gian qua, để được mở ngành trình độ tiến sĩ, các trường đã phải đáp ứng quy định về điều kiện mở ngành và tiêu chuẩn của GV dạy trình độ tiến sĩ. Nay Thông tư 01 đưa ra quy định ràng buộc khó khăn khiến các trường dù đã đáp ứng về mở ngành tiến sĩ nhưng nếu toàn trường không đạt 40% GV có trình độ tiến sĩ, thì cũng không được đào tạo tiến sĩ. Vậy các trường lấy đâu ra nguồn tuyển để thực hiện việc tăng tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ, đặc biệt ở những ngành mà không phải trường nào cũng có đào tạo tiến sĩ?”, ông Tuấn nêu bất cập.
Với khó khăn trên, các cơ sở giáo dục ĐH cũng có thể bỏ đào tạo tiến sĩ để “né” tiêu chuẩn này, và chỉ còn phải đáp ứng 20% (năm 2030 là 30%) tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ (dành cho trường ĐH không đào tạo tiến sĩ). “Thế nhưng, nếu muốn trở thành cơ sở giáo dục ĐH đúng nghĩa thì ngoài đào tạo ĐH, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phải có đào tạo sau ĐH. Vì thế, các trường bắt buộc phải xây dựng lộ trình phù hợp để đáp ứng chuẩn nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự phát triển bền vững”, tiến sĩ Tuấn nhận định.
HỖ TRỢ, BẮT BUỘC GIẢNG VIÊN LÀM TIẾN SĨ
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng để đạt được 40% GV tiến sĩ là rất khó khăn, nhưng không còn cách nào khác là phải nỗ lực thực hiện nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo PGS-TS Hoàn, trường đang thực hiện chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài và hỗ trợ từ bên trong để rốt ráo tăng tỷ lệ tiến sĩ đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Chẳng hạn, một giáo sư về làm việc tại trường sẽ được nhận ngay 200 triệu đồng, phó giáo sư là 150 triệu đồng và tiến sĩ là 100 triệu đồng.
“Bắt đầu từ năm 2024, trường quy định GV nữ dưới 45 tuổi, GV nam dưới 50 tuổi buộc phải đăng ký học tiến sĩ đúng chuyên ngành, trong thời gian 6 năm. Hết năm 3 vẫn không đăng ký thì trường sẽ cắt hợp đồng. GV học tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 100% học phí và vẫn có thu nhập như đang làm việc”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng thông tin trường sẽ thưởng nóng ngay 250 triệu đồng cho giáo sư về công tác hoặc GV trong trường đạt được học vị này, phó giáo sư là 200 triệu đồng và tiến sĩ là 150 triệu đồng. GV trong trường học tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 100% học phí, giảm 50% tiết dạy. “Năm nay trường đang có 100 nghiên cứu sinh nên mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 40% và năm 2030 là 50% như Thông tư 01 đưa ra”, tiến sĩ Nhân chia sẻ.
XÁC ĐỊNH LẠI MỤC TIÊU, CHỌN HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nhận định câu chuyện để đạt được tỷ lệ 40% GV có trình độ tiến sĩ, đến 2030 đạt tỷ lệ 50% không khó thực hiện về mặt giải pháp, nhưng cái khó nhất là giữ chân GV. “Muốn giữ được GV có trình độ cao ở lại công tác chỉ bằng hai cách: thứ nhất là thu nhập, thứ hai là điều kiện làm việc, quyền tự chủ và trách nhiệm của GV. Ưu tiên ưu đãi cho GV đi kèm với trách nhiệm, bỏ đi các cung cách quản lý hành chính hiện nay thì sẽ đạt được mục tiêu”, tiến sĩ Duy cho hay.
Được biết Trường ĐH Đà Lạt đã thực hiện chính sách hỗ trợ GV đi học nâng cao trình độ 10 năm nay, với tiến sĩ là 80 triệu đồng, phó giáo sư 100 triệu đồng và giáo sư 150 triệu đồng và sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện trong thời gian tới.
Theo tiến sĩ Duy, nếu trường ĐH nào chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về GV thì có thể không đào tạo tiến sĩ mà trước mắt tập trung vào đào tạo ứng dụng nghề nghiệp. “Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH sẽ là một quy chuẩn để phân luồng, cũng sẽ góp phần loại bỏ tình trạng đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng. Các trường phải xác định lại mục tiêu, tầm nhìn để có hướng đi cho phù hợp”, tiến sĩ Duy nêu quan điểm. (còn tiếp)
Tại Thông tư 01 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, có hiệu lực từ tháng 3.2024, tiêu chuẩn 2 về GV quy định, tỷ lệ GV toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục ĐH không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%. Đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gian-nan-dat-chuan-co-so-giao-duc-dh-185240919203546668.htm