Ảnh minh họa. |
(PLVN) – Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 (Quy hoạch điện VIII), đã có một số dự án điện gió ngoài khơi được quy hoạch thí điểm.
Thời gian qua, sau khi rà soát toàn diện những khó khăn, thiếu sót với các dự án điện gió ngoài khơi; báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy các đề án này gặp một số khó khăn về công tác điều tra, khảo sát, đo đạc trên biển, giao khu vực biển; về đầu tư, quy hoạch. Một nguyên nhân thực tế khác, theo một ước tính, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi rất lớn, từ 2,5 – 3 tỉ USD cho 1.000MW công suất. Thời gian thực hiện từ 6 – 8 năm kể từ lúc bắt đầu.
Nhìn nhận thẳng vào thực tế trên, tại Thông báo 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho một số dự án điện; Bộ Công Thương được giao rà soát tổng thể các nguồn điện trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đáng lưu ý, theo Thường trực Chính phủ, Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng 12 – 15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì thế, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường, theo kết luận của Thường trực Chính phủ.
Trước đó, trong văn bản gửi các Bộ, ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR). Các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300MW/tổ máy, sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng khoảng 24 – 36 tháng.
Có 32 quốc gia trên thế giới đang dùng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện; cho ra sản lượng 9,1% lượng điện năng của thế giới trong năm 2023. Bộ Công Thương cho rằng có thể xem xét nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng cỡ nhỏ tại nước ta.
Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang lấy ý kiến cũng đề cập phát triển điện hạt nhân là một loại năng lượng mới, Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo Luật), có ý kiến cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên quan trọng. Điện hạt nhân là một phương án bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050.
Trong quá khứ, chúng ta từng dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại một địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ, nhưng trước nhiều ý kiến trái chiều, dự án này đã dừng vào năm 2016. Năm 2022, khi làm việc về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung – cầu năng lượng. Trong bối cảnh thế giới và hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, một lần nữa việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân là cần thiết; và nếu thực hiện, cần có những nghiên cứu chính xác, thuyết phục, có căn cứ khoa học và pháp lý, bảo đảm an toàn, hiệu quả – phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện của Nhân dân và nền kinh tế.
Nguồn: https://baophapluat.vn/ky-vong-moi-vao-yeu-to-dien-hat-nhan-post525633.html