Ký kết quy chế phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Minh Dung) |
Ngày 19/9, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.
Báo cáo tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố thông tin, theo báo cáo kết quả công tác tuyển sinh hằng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp là khoảng 26%. Kết quả này còn thấp so với mục tiêu thực hiện đề án phân luồng học sinh đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp.
Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết: “Kết quả này đã dự báo nhiều thách thức lớn của 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh; đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp”.
Tại hội nghị, các đơn vị thuộc ngành giáo duc đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh. Trong đó, có nhiều khó khăn đặt ra đối với việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề. Khi nhận thức xã hội còn chưa đầy đủ về học nghề thì ở các trường phổ thông lại thiếu đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc tư vấn chung chung, chưa phân tích sâu nhu cầu, sở thích và năng lực cá nhân của học sinh dẫn đến khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm khi học trường nghề cũng là vấn đề phụ huynh còn băn khoăn khi tìm hiểu, chọn cho con học nghề. Đặc biệt tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở chọn học nghề thấp còn do quan điểm học nghề chỉ dành cho học sinh không đủ khả năng theo học chương trình phổ thông.
Để đẩy mạnh hiệu quả phân luồng học sinh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tiếp tục mở rộng công tác phối hợp với các đơn vị giáo dục, đào tạo trên địa bàn giai đoạn 2024-2030.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, đầu tư đào tạo nghề cho học sinh có ý nghĩa quan trọng vì góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực tương lai của thành phố. Do đó, hai ngành Giáo dục và Lao động phối hợp thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trước hết cần tập trung làm tốt việc tuyên truyền hướng nghiệp cho cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Ngành Giáo dục cần tạo điều kiện cho các trường nghề tiếp cận và tham gia bình đẳng trong chương trình hướng nghiệp, tuyển sinh ở trường phổ thông…
Bên cạnh đó, bản thân các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung máy móc, trang thiết bị hiện đại để tăng sức thu hút cho người học. Trong quá trình đào tạo, việc nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động cần được quan tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất hai sở cần tham mưu các mô hình đào tạo nghề tiên tiến, có chất lượng; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo viên để đạt hiệu quả cao trong đào tạo. Riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có thêm nhiều khảo sát và báo cáo về nhu cầu lao động, tình hình tuyển dụng và các yêu cầu của doanh nghiệp với các ứng viên để từ đó có những định hướng phát triển chương trình cho học sinh phù hợp.
Tại hội nghị, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký kết quy chế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý nhà nước; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký kết với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện các nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-tap-trung-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-678393.html