Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc cần những điều kiện gì?
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 19/9, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.
“Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…”, ông Đạt nói.
Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, một trong những khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm”. Do đó, nó sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc.
Nghị định thư cũng yêu cầu phía Việt Nam sẽ hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình từ trồng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn liên quan của cả hai bên và không bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ quản lý và giám sát các vườn cung cấp nguyên liệu cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào.
Sau khi sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tới cửa khẩu nhập của Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát kiểm dịch thực vật. Chỉ những lô sầu riêng đông lạnh đủ tiêu chuẩn mới được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng theo ông Nguyễn Quang Hiếu, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía Nam đảo Hải Nam. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra. “Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói.
Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc quy định
Đánh giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp, người dân và các địa phương trong việc triển khai tổ chức sản xuất cũng như xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Việc nâng cao công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển đặc biệt là các thiết bị, kho cấp đông.
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại cùng vệ sinh an toàn thực phẩm hại một cách khoa học, hiệu quả.
Để có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quy định cho các địa phương, Hiệp hội, vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu.
Sở NNPTNT các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong sản xuất, đóng gói sầu riêng đông lạnh và trong việc sử dụng mã số, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
Hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu kiểm soát về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và việc tuân thủ theo các quy định của nước nhập khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, ông Đạt đề nghị cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ NNPTNT, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói để triển khai thực hiện tốt các quy định của Nghị định thư sầu riêng đông lạnh trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp cần thực hành nông nghiệp tốt và đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Đối với chủ đề doanh nghiệp quan tâm, cần tuân thủ các tiêu chí theo Lệnh 248. Trong đó, cơ sở vật chất, kho chứa thường, kho lạnh và thiết bị sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà máy và cơ sở chế biến đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được GACC xét duyệt hồ sơ và cấp mã đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Cùng với đó, việc xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà thu mua sầu riêng từ các vườn trồng của nông dân, HTX, thì doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng’, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam, được đông lạnh ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 01 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế.
Nguồn: https://danviet.vn/trung-quoc-mua-sau-rieng-nhieu-nhat-the-gioi-lai-trong-duoc-2700ha-o-dao-hai-nam-viet-nam-can-lam-gi-20240919152347267.htm