(Dân trí) – Lúc 15h, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, trong 2 ngày tới (20-21/9) lượng mưa ở một số nơi tại khu vực Trung Trung Bộ có thể lên 100-300mm, thậm chí trên 500mm.
– Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, ngày 19/9.
– Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) sẽ tạm dừng khai thác từ 15h đến 22h ngày 19/9.
– Quảng Bình di dời khẩn cấp hơn 500 người.
– Tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án sơ tán hơn 3.700 hộ với 13.600 người.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, bão số 4 nằm trong hệ thống dải hội tụ nhiệt đới có trục vắt qua Trung Trung Bộ, đồng thời lại đang trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam. Vì thế tác động của tổ hợp này gây ra mưa lớn trên diện rộng.
Ông Khiêm dự báo, lượng mưa trong 2 ngày tới (20-21/9) ở khu vực Trung Trung Bộ (TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị) lượng mưa từ 100 đến 300mm, một số nơi có thể trên 500mm.
Sau khi bão số 4 suy yếu, nhiều khu vực tại Hà Tĩnh có mưa lớn và gió giật mạnh. Tại thôn Tân An, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), một cây xanh bật gốc, gãy đổ chắn ngang quốc lộ 1A, phần làn đường hướng ra phía bắc. (Ảnh: Nguyễn Quốc).
15h ngày 19/9, theo ghi nhận của phóng viên, sau khi bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, có mưa lớn kéo dài. Nhiều phương tiện lưu thông di chuyển phải giảm tốc độ.
Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, chiều nay, ven biển phía nam Hà Tĩnh có gió giật mạnh cấp 8, cấp 9. Độ cao sóng ven bờ tại Trạm Hoành Sơn (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) quan trắc được 2,5m.
Hiện, các dải mây quét qua liên tục, vùng có dải mây quét qua có mưa rất to. Các huyện Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang, Lộc Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh chuẩn bị có mưa to.
Chiều nay đến sáng mai (20/9), toàn tỉnh này tiếp tục có mưa to; gió ven biển cấp 6 -7, giật cấp 9-10.
Sau khi đổ bộ vào vùng đất liền ven biển các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, lúc 15h, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị. Sức gió vùng tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cho biết sáng 19/9, do ảnh hưởng bão số 4, mưa lớn khiến một cành cây xà cừ trong sân bất ngờ bị gãy, rơi trúng người một cô giáo.
Nhánh cây to còn đè 4 ô tô của thầy cô giáo trong trường bị hư hỏng, bẹp dúm.
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã đưa giáo viên bị thương đi cấp cứu.
Ngày 19/9, ông Phan Thành Biển, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, theo dự báo, địa phương này sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão số 4. Do đó, nơi đây đã lên phương án sẵn sàng sơ tán 1.409 hộ dân với 4.080 nhân khẩu ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.
Các hộ dân ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời lên trường học, nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn.
Còn tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), do ảnh hưởng của bão, trưa 19/9, có 14 nhà dân tại địa phương này bị dông lốc làm tốc mái. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bộ đội biên phòng, lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân, khắc phục thiệt hại.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay trong khu vực thủy điện A Lin – Rào Trăng có 48 công nhân, nhân viên ở lại trực các nhà máy. Chủ các công trình đã chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm đủ 10-15 ngày để người lao động sử dụng trong thời gian ứng phó bão số 4 và hoàn lưu bão.
Từ 15h30, khu vực phía nam Đèo Ngang, thuộc địa phận thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) xuất hiện mưa to. Mưa kèm gió lớn khiến tài xế ô tô giảm tầm nhìn, người đi xe máy trên quốc lộ 1A gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mưa lớn kèm gió mạnh cũng xuất hiện tại quốc lộ 1A, đoạn qua Thượng Xá, Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị. Mưa kéo dài từ 14h30 đến 14h50 vẫn chưa ngớt.
Chiều 19/9, ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, do ảnh hưởng bão số 4, sáng 19/9, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài khiến đập tràn qua thôn Thành Công bị ngập sâu, chảy xiết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã lập rào chắn, cử cán bộ túc trực hai bên đầu đập tràn, không cho người và phương tiện qua lại.
Tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, đỉnh lũ ở thượng lưu sông Mã, sông Chu và các sông nhỏ có khả năng lên mức báo động 1, có nơi trên báo động 1; hạ lưu sông Mã, sông Chu còn dưới mức báo động 1.
Lượng mưa tại các điểm đo mưa tự động như: huyện Thường Xuân 82,6mm; huyện Ngọc Lặc 81,6mm; huyện Cẩm Thủy 75,6mm. Hiện trạng độ ẩm đất của một số khu vực gần đạt bão hoà (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Đến cuối giờ chiều nay, trên địa bàn các huyện miền núi như Thạch Thành, Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân… có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-so-4-ap-sat-ven-bien-quang-tri-20240919115221469.htm