Thực tế tại Việt Nam
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số điện thoại, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ngày càng chuyển sang thực hành tái sử dụng các số không hoạt động sau một thời gian chờ, thường từ khoảng 45 đến 60 ngày.
Việc này trở nên phổ biến hơn khi Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng điện thoại di động, với tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động hoạt động vào đầu năm 2024 (số liệu từ DataReportal), tương đương với 169,8% tổng dân số. Mặc dù cách tiếp cận này giúp giảm thiểu tình trạng thiếu số điện thoại một cách hiệu quả, nhưng đồng thời nó cũng gây ra một loạt các thách thức về an ninh mạng.
Những rủi ro khi tái sử dụng số điện thoại
Raghav Iyer, chuyên gia tư vấn sản phẩm, an ninh mạng của ManageEngine nhấn mạnh việc tái sử dụng số điện thoại có thể mang đến rủi ro về an ninh mạng từ bảo mật cho đến quyền riêng tư.
“Xét đến vai trò quan trọng của số điện thoại như danh tính kỹ thuật số, những rủi ro về an ninh mạng này, nếu không được xử lý đúng cách, có thể tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp danh tính. Những kẻ xấu có thể lợi dụng các số điện thoại được tái chế để che giấu danh tính của chúng và thực hiện các cuộc tấn công mạng khác nhau”, Raghav Iyer chia sẻ.
Theo ông, những kẻ tấn công mạng có thể tìm thấy các số điện thoại đã sử dụng thông qua các phương thức khác nhau từ việc giám sát các nền tảng trực tuyến, sử dụng danh sách gán lại số điện thoại, mua dữ liệu hoặc quay số ngẫu nhiên…
Ông phân tích, việc tái sử dụng số điện thoại sẽ mang đến 4 thách thức về an ninh. Trong đó nguy cơ lớn nhất là người dùng có nguy cơ bị chiếm đoạt tài khoản. Theo đó, mã xác minh và chi tiết khôi phục tài khoản thường được gửi đến một số điện thoại di động. Nếu số được chia sẻ với người dùng khác, điều này có thể dẫn đến việc chiếm đoạt tài khoản.
Ngoài ra, việc dùng tái sử dụng số điện thoại còn có thể dẫn đến việc rò rỉ dữ liệu, các cuộc gọi và tin nhắn dành cho chủ sở hữu trước của một số sẽ thay vào đó được nhận bởi chủ sở hữu mới; gián đoạn dịch vụ; tấn công lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật…
Giải pháp
Để giảm thiểu nguy cơ từ việc tái sử dụng số điện thoại, theo ông Raghav Iyer, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải triển khai các giao thức mạnh mẽ, bao gồm các thủ tục làm sạch dữ liệu nghiêm ngặt, để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn thông tin cá nhân liên kết với các số điện thoại được tái sử dụng.
Hơn nữa, việc tách rời danh tính người dùng khỏi số điện thoại là rất quan trọng. Điều này có thể đạt được thông qua việc áp dụng các số ảo hoặc trình định danh tạm thời cho các dịch vụ trực tuyến.
Cuối cùng, nhận thức và sự cảnh giác của người dùng là vô cùng quan trọng. Mỗi cá nhân nên thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến và ưu tiên các phương pháp mật khẩu mạnh. Bật xác thực hai yếu tố và tránh các liên kết đáng ngờ là những bước thiết yếu để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công lừa đảo.
Khi nhu cầu về số điện thoại tăng vọt, các nhà cung cấp dịch vụ chắc chắn sẽ chuyển sang tái sử dụng số điện thoại như một giải pháp. Tuy nhiên, hoạt động này phải được quản lý cẩn thận để ưu tiên quyền riêng tư dữ liệu. Những lo ngại về dữ liệu còn sót lại, vi phạm quyền riêng tư và niềm tin bị xói mòn phải được xem xét nghiêm túc.
Một cách tiếp cận hợp tác bao gồm các công ty viễn thông, nhà cung cấp công nghệ và các cá nhân là rất cần thiết để giảm thiểu những rủi ro này.
Bằng cách triển khai các thủ tục làm sạch dữ liệu nghiêm ngặt, khám phá các phương pháp nhận dạng thay thế và thúc đẩy nhận thức về an ninh mạng, có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tái sử dụng số điện thoại và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-nghe/nguy-co-tu-viec-tai-su-dung-so-dien-thoai-1395964.ldo