Bắt nguồn từ món ăn truyền thống của người Gié Triêng, năm 2020, chị Y Lý Huyền ở thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị để sản xuất, kinh doanh sản phẩm Thịt heo gác bếp và Muối tiêu rừng. Bên cạnh đó, được chính quyền địa phương hỗ trợ, chị đã tham gia dự thi và cả 2 sản phẩm đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Y Lý Huyền chia sẻ: Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh thì sản phẩm cũng bán được nhiều hơn. Với giá bán 600.000 đồng/1kg thịt khô, trung bình mỗi tháng bán ra thị trường hơn 90kg. Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, chị còn thu mua heo thịt, củ kiệu hay tiêu rừng… của đồng bào DTTS để làm nguyên liệu, góp phần giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập.
Với sự nỗ lực của các thành viên cùng với những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2020, sản phẩm Rượu cần men lá của Tổ hợp tác sản xuất rượu cần men lá dân tộc Brâu, thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, ngày càng có nhiều khách hàng biết đến và tìm mua sản phẩm. Hiện tại, trung bình mỗi tháng Tổ hợp tác xuất ra thị trường hơn 50 ghè rượu cần men lá. Không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên trong Tổ hợp tác mà bản sắc văn hóa dân tộc người Brâu cũng được giữ gìn, phát huy.
Chị Võ Thị Thu Hà – Tổ trưởng Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu cho biết: Bên cạnh việc bày bán các sản phẩm rượu cần thì Tổ hợp tác còn phát triển, nhân rộng nghề dệt thổ cẩm để cho các sản phẩm nghề truyền thống của bà con được duy trì, tăng thu nhập cho bà con. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh để mọi người biết đến những sản phẩm đặc trưng của người Brâu.
Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ Chương trình OCOP, như: Cấp vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao, xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nên chương trình đã thu hút được nhiều chủ thể tham gia và ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Khắc Tụ – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei cho biết: UBND xã rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Khi đăng ký sản phẩm thì UBND xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để đăng ký đầy đủ hồ sơ tham gia dự thi để đạt chứng nhận.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 208 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương. Từ việc sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, nhất là người DTTS, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Chị Y Chon – Thành viên Hợp tác xã Dục Nông, thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Hợp tác xã có sản phẩm Thịt heo gác bếp và Rượu ghè men lá đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện sản phẩm đã tiêu thụ ra thị trường khá nhiều và cũng là cơ hội để Hợp tác xã có thể mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm vào các siêu thị nhỏ, lẻ tại tỉnh và ngoài tỉnh.
Chương trình OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS. Từ sự định hướng cũng như hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương đã giúp các Hợp tác xã, các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát huy đươc các tiềm năng sẵn có của địa phương, sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nguồn: https://baodantoc.vn/kon-tum-dong-bao-dtts-tham-gia-lam-ocop-1726644598114.htm