Do ảnh hưởng của hoàn lưu của cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố Yên Bái xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Theo thống kê, rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến nay tại thành phố Yên Bái có 145 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến 4.419 hộ dân, trong đó có 2.514 hộ dân trong khu vực nguy cơ cao, 1.905 hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Trong đó, xã Minh Bảo là “điểm nóng” với 17 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến 248 hộ dân (số hộ dân đã bị sạt lở là 112 hộ, có nguy cơ sạt lở 136 hộ). Trước đó, lũ ống, lũ quét đã xảy ra tại thôn Bảo Tân gây sập nhà dân, làm 4 người trong gia đình thiệt mạng.
Đứng trước ngôi nhà – tài sản tích góp gần 20 năm có nguy cơ bị sạt lở, chị Phạm Thị Hải (thôn Trực Bình, xã Minh Bảo) lo âu cho biết: “2 vợ chồng lấy nhau từ khi chưa có gì trong tay, để dành từng chút một, đến năm 2005 mới bắt đầu xây được gian nhà chính đầu tiên, sau đó các căn phòng khác mới được dựng lên, đây không chỉ là tài sản mà còn là bao nhiêu kỷ niệm từ thời còn gian khó”.
Người phụ nữ nhớ lại đêm kinh hoàng 9.9, trong cơn mưa lớn, tiếng đất đá rơi xen lẫn tiếng hô hoán.
“Khoảng 21h, nước bắt đầu ngập cao, chồng tôi kiểm tra taluy đằng sau thấy đất bắt đầu sạt xuống từng tảng nhỏ, cả nhà không kịp nghĩ ngợi gì mà vội di tản trong đêm”, chị Hải kể lại.
May mắn, nhà ở trên cao không bị ngập, sáng hôm sau, taluy đỡ sạt, gia đình chị Hải mới nhờ anh em, họ hàng qua giúp phụ đồ đưa đến nơi an toàn.
“Taluy phía sau nhà đang sạt lở dần nên gia đình tôi vẫn phải đi ở nhà chứ chưa dám về”, chị Hải nói.
Sau nhiều ngày ở nhờ tránh bão, hàng xóm chị Hải, bà Nguyễn Thị Liễu bắt đầu trở về nhà. Cứ tưởng được dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống thì gia đình bà lại phải di dời vì thuộc diện có nguy cơ sạt lở.
Chỉ lên phần đất đá vừa sạt xuống để lộ một khoảng đất cao hàng chục mét, bà Liễu tâm sự: “Xót xa khi ngôi nhà của mình có nguy cơ bị đất đá vùi lấp, bao nhiêu năm tích góp lại đổ sông đổ bể. Dù buồn vì có nhà không được về ở tuy nhiên mình vẫn may mắn hơn những gia đình khác mất nhà, mất người, mất tài sản nghiêm trọng”.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 18.9, trên địa bàn thành phố Yên Bái có rất nhiều điểm nguy cơ sạt lở.
Điển hình tại xã Văn Phú có 27 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở, gây ảnh hưởng đến 91 hộ dân; Xã Tân Thịnh có 15 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở, gây ảnh hưởng 919 hộ dân; Phường Yên Ninh có 16 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến 922 hộ dân; Phường Đồng Tâm có 16 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở, gây ảnh hưởng đến 770 hộ dân; Phường Minh Tân có 5 khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở, gây ảnh hưởng đến 658 hộ dân
Đặc biệt, một số khu vực địa hình dốc đứng, kết hợp với lượng mưa lớn và kéo dài, làm cho đất đá trở nên dễ bị di chuyển. Nhiều quả đồi đã “no” nước, nguy cơ đất, đá tiếp tục sạt xuống nên người dân phải di dời khẩn cấp dù rất muốn ở lại nhà mình.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND TP Yên Bái cho hay, hiện ở thành phố có nhiều điểm tiếp tục sạt lở và có nguy cơ sạt lở mới. Ở những nơi này, địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân cần nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Với những hộ không di dời, lực lượng chức năng buộc phải cưỡng chế.
Laodong.vn
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/sat-lo-rinh-rap-nhieu-nguoi-yen-bai-chua-the-ve-nha-1394624.ldo