Cần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản
Phát biểu tại phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững” sáng 16/8, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm: Nhiều tổ chức phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu trong thời gian qua và liên tiếp xin được gia hạn nợ, giải pháp khắc phục cơ bản nhất là cho doanh nghiệp phá sản theo nguyên tắc “hỏng thì cắt bỏ”.
“Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại”, ông Nghĩa nói.
Phản hồi ý kiến trên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện tượng doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản ít có khả năng xảy ra vì thời điểm thị trường khó khăn nhất đã qua, giờ còn rất nhiều giải pháp đồng bộ có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.
“Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đồng nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao?”, ông Lực nói.
Bổ sung thêm về câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, ông Lực cho rằng từ sau khi có Nghị định 08 cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ thì nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn.
Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
Chưa kể trong bối cảnh thị trường hiện nay, doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 – 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi.
Cũng bàn về câu chuyện có nên để doanh nghiệp phá sản hay không, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường TPDN cho rằng UBCKNN, cơ quan quản lý nhìn nhận khó khăn ở đâu để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa phải duy trì sự bền vững của thị trường.
“Việc chúng ta hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng. Mọi sự phát triển dựa trên quy luật đào thải, nếu không sẽ như “cơ thể ăn không tiêu sẽ có rất nhiều bệnh”. Với các doanh nghiệp, chúng ta đồng ý cho phép gia hạn nợ nhưng cơ chế, cách thức đàm phán thì phải có thực chất, có đào thải”, ông Quỳnh nói.
Nêu ví dụ trên thế giới, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường TPDN cho biết ở nhiều nước khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thì phải công khai, có hội đồng chủ nợ họp lại, hoặc họ thuê tổ chức độc lập đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp để đánh giá nên bảo hộ phá sản, hay cho phá sản.
Trong khi tại Việt Nam lại có hiện tượng dù việc gia hạn cho cơ chế đàm phán nhưng các nhà đầu tư cá nhân không có năng lực đánh giá về trái phiếu phát hành nên khi doanh nghiệp đặt ra yêu cầu gia hạn, nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình trạng hoảng, nhiều nhà đầu tư cá nhân buộc phải chấp nhận đàm phán gia hạn vì sợ mất trắng số tiền đầu tư.
Mặt khác, hiện nhà đầu tư chưa có câu trả lời cho câu hỏi “nếu không chấp nhận thì phải kiện doanh nghiệp kiểu gì?”.
Do đó ông Quỳnh cho rằng cũng cần nhìn nhận, nếu cứ gia hạn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì tình hình thị trường có thể diễn biến còn tệ hơn nữa.
Cần xác định thế nào là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Trước những luận điểm trên, ông Nguyễn Anh Minh – Phó Trưởng Ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán VN (VSD) nêu ý kiến, gốc rễ vấn đề nằm ở vai trò của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Thực tế hiện nay cho thấy nhà đầu tư mang tiếng chuyên nghiệp nhưng việc xác định không chặt chẽ, chỉ cần bản xác nhận của CTCK đã là nhà đầu tư chuyên nghiệp đem lại nhiều rủi ro.
Trong khi đó thì doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho cá nhân đa phần chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều càng tốt còn không quan tâm nhà đầu tư có đủ kiến thức, nhận định về doanh nghiệp không.
“Thường là nhà đầu tư mua theo tư vấn của môi giới hay người thân. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi đơn vị phát hành không đảm bảo khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại”, ông Minh nêu ý kiến.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng đầu tiên cần nâng cao kiến thức nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư cá nhân có thể ủy quyền cho đơn vị đại lý tìm hiểu kỹ về trái phiếu, chịu trách nhiệm về sản phẩm họ chào cho nhà đầu tư mua.
Bổ sung thêm, ông Hoàng Văn Thu – Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng cần cấp bách điều chỉnh tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán năm 2019.
Mặt khác, có thể cần xác định tiêu chuẩn nhà đầu tư tham gia TTCK không chỉ dựa trên giá trị giao dịch, thâm niên giao dịch, mà cần đề cập đến khả năng hiểu biết của họ về hoạt động doanh nghiệp.
Nhìn từ một góc độ khác, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng nói đến thị trường trái phiếu, không hoàn toàn lỗi 100% do thị trường và các quy định liên quan mà còn là rủi ro bên ngoài.
Ông Hiếu phân tích khi một trái phiếu phát hành có 1 phương án kinh doanh tốt, nhà đầu tư tin tưởng phương án này nhưng rủi ro thị trường khiến kế hoạch không đúng như phương án mong muốn, đây là một nguyên nhân đáng kể.
Hoặc thị trường có thay đổi làm ảnh hưởng đến kịch bản kinh doanh, điều này có thể cho thấy thị trường trái phiếu có rủi ro, không an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, ông Hiếu bày tỏ lo ngại nếu can thiệp chính sách quá sẽ tạo ra sự cứng nhắc cho thị trường, tạo rào cản.
Đặc biệt về tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, vị lãnh đạo cho biết pháp luật không can thiệp được vấn đề này.
“Tính chuyên nghiệp tự thân của nhà đầu tư là điều quan trọng, tự ý thức được việc ra quyết định mua bán trái phiếu, vì lợi ích của chính mình để từ đó trở nên chuyên nghiệp hơn”, ông Hiếu nêu.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-lien-tiep-xin-gia-han-trai-phieu-co-nen-cho-pha-san-hay-khong-204240816132615313.htm