Hình ảnh những nhà báo truyền tin trong mưa gió, đi đến tận vùng ngập lụt, chân lội dưới bùn thực sự làm lay động lòng người
+ Trong đợt sóng thông tin về cơn bão số 3 và hoàn lưu của cơn bão này, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, như ma trận khó lường khiến người dân bất an, lo âu. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế tiếp nhận thông tin của công chúng hiện nay, sự xuất hiện của tin giả là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là, báo chí phải đi đầu, vào cuộc mạnh mẽ, duy trì cho được dòng thông tin chính thống, chứng tỏ vai trò chủ lực trên trận tuyến thông tin, ông có đồng ý với quan điểm này?
– Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cũng như nhiều sự kiện trên thế giới và Việt Nam trong vài năm qua cho thấy tình trạng phát tán tin giả để trục lợi tài chính, gây hoang mang cho xã hội, làm mất uy tín của các tổ chức hoặc cá nhân, thậm chí làm xói mòn niềm tin của công chúng với báo chí là một thực tế mà quốc gia nào cũng phải hứng chịu, và tình hình đó chỉ càng ngày càng gia tăng, càng thêm nguy hiểm và càng khó phân biệt thật – giả nhờ sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI).
Như chúng tôi đã phân tích tại nhiều hội nghị, hội thảo, để đối phó với tình trạng này thì cần có những trụ cột quan trọng: 1/ sự quyết liệt của cơ quan chức năng, các nhà lập pháp để đưa ra những khung pháp lý chặt chẽ nhằm xử lý mạnh tay với những người sản xuất và phát tán tin giả; 2/ sự hợp tác của các nền tảng công nghệ để chủ động ngăn chặn, dán nhãn và cảnh báo về những nội dung bị nghi ngờ là tin giả; 3/ ý thức của người dùng mạng xã hội để chủ động phòng tránh cho bản thân và gia đình, không chia sẻ những nội dung không rõ nguồn gốc, tham gia phát hiện những thông tin không đúng sự thật; và quan trọng không kém là trụ cột thứ 4: sự chủ động của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa những thông tin chuẩn xác, góp phần tăng tỷ lệ thông tin chính thống trên Internet và mạng xã hội.
+ Ông nhìn nhận như thế nào về sự vào cuộc của báo chí trong việc truyền thông về cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão thời gian qua?
– Trong thời gian trước, trong và sau khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta đã chứng kiến hiệu quả ra sao khi các cơ quan báo chí chủ động đẩy mạnh thông tin, cùng với cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền hiệu quả. Trong đợt bão số 3 (Yagi) vừa qua và hoàn lưu sau bão tại các tỉnh miền Bắc, tuy vẫn có rất nhiều thông tin sai lệch, không trung thực, bóp méo sự thật, nhưng cần phải khẳng định rằng sự vào cuộc mạnh mẽ, đầy quyết tâm về nghiệp vụ cùng với tinh thần nhân văn của báo chí đã giúp những thông tin chính xác được đăng tải kịp thời, không chỉ giúp người dân trong nước và nước ngoài nắm bắt được những gì đang diễn ra mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, chia sẻ khó khăn và những nỗi đau của đồng bào.
Chúng tôi đặc biệt trân trọng và xúc động khi thấy các cơ quan ở những nơi bị ảnh hưởng về bão lũ vẫn đảm bảo dòng thông tin thông suốt, mặc dù chính địa phương và gia đình họ cũng gặp không ít khó khăn. Hình ảnh những nhà báo truyền tin trong mưa gió, đi đến tận vùng ngập lụt, chân lội dưới bùn thực sự làm lay động lòng người, khẳng định rằng báo chí luôn đi đầu trong mọi khó khăn của xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực huy động tài trợ từ các nhà hảo tâm cũng như đóng góp của chính các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên. Một số chương trình truyền hình trực tiếp trong mấy ngày gần đây tiếp tục tiếp thêm sức mạnh cộng đồng và chia sẻ mất mát với các địa phương bị bão lũ, thực sự tạo cảm xúc lắng đọng với những người xem.
Thông tin báo chí khác biệt ở chỗ chuyên nghiệp và đa chiều
+ Để đi đầu, để thu hút công chúng, thông tin của báo chí phải có tính riêng, tính hấp dẫn. Tính riêng ấy, phải chăng là những thông tin nhanh, chính xác, sinh động với nhiều hình thức thể hiện đa dạng như video, short video, webstory, đồ họa, podcast… thưa ông? Đơn cử như tại Báo Nhân Dân thời gian qua, Báo đã liên tục xuất bản kịp thời hàng loạt infographic như dự báo mực nước trên các sông, cảnh báo khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở…?
– Bây giờ thông tin tràn ngập nên “nhiều” không phải là ưu thế của báo chí nữa. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là cung cấp đủ loại thông tin, tức thời và từ bất kỳ đâu. Báo chí cũng không đua tranh được với mạng xã hội về tốc độ. Nhưng thông tin báo chí khác biệt ở chỗ chuyên nghiệp và đa chiều, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay thì báo chí đang đi theo xu thế không chỉ phản ánh mà phải cung cấp luận giải và giải pháp – những điều hầu hết người dùng bình thường không có năng lực tiếp cận thông tin và nguồn tin để tạo ra. Báo chí cũng cần phải nhanh, cần có nhiều thông tin, nhưng yếu tố chính xác và cách thể hiện hấp dẫn mới tạo nên sự khác biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay.
Tôi thấy cách làm của nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sáng tạo hơn rất nhiều, và điều quan trọng là khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương đã được thu hẹp đáng kể. Có những cơ quan báo Đảng địa phương tuy nhỏ nhưng đã nhanh chóng sản xuất ra những video clip hướng dẫn phòng tránh sạt lở đất, cách sinh tồn trong trường hợp khẩn cấp, Báo Nhân Dân trong hơn 3 năm qua triển khai chuyển đổi số quyết liệt và chúng tôi đã chủ động đầu tư vào các công cụ hiện đại để ứng dụng vào các khâu sản xuất nội dung nên việc tạo ra các hình thông tin đồ họa, video clip hoặc các bài e-magazine nhanh chóng là điều khá dễ dàng. Chúng tôi cũng xây dựng những quy trình khá hiệu quả giữa mạng lưới phóng viên thường trú ở các tỉnh thành với các ban chuyên môn tại tòa soạn cũng như toàn bộ các ấn phẩm, kênh truyền hình, báo điện tử trong hệ sinh thái thông tin của Báo Nhân Dân, nhờ đó công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp triển khai các tuyến thông tin khá thuận lợi, phát huy được tính chủ động của từng mắt xích thông qua cả quy trình.
Báo chí không phải là việc hơn thua về lượng truy cập, mà là việc sẽ giúp cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn
+ Việc thông tin về những sự kiện như cơn bão số 3 thực chất chính là câu chuyện báo chí truyền thông về thiên tai, thảm họa vốn đã được báo giới quốc tế nhắc tới nhiều. Theo đó, để truyền thông về thiên tai, thảm họa thực sự hiệu quả, ngoài việc ghi nhận tình hình thực tế, đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn cần có những bài viết chuyên sâu, tập hợp ý kiến, khuyến cáo của các chuyên gia, các cơ quan chức năng về công tác phòng chống, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau bão, lũ… Đó phải chăng cũng chính là mô hình của báo chí giải pháp mà ông đã nhắc tới rất nhiều trong các bài viết, bài nói chuyện của mình? Vai trò của báo chí giải pháp phải chăng được thể hiện ngay trong những tình huống thảm họa, thiên tai như thế này, thưa ông?
– Như đã nêu ở trên, nếu chỉ dừng ở thông tin phản ánh thì công chúng có nhiều cách tiếp cận, chưa chắc đã cần đến báo chí trong thời buổi kết nối như hiện nay. Đó là chưa kể người dùng có xu hướng lo ngại, thậm chí hoảng sợ khi mỗi ngày đọc quá nhiều thông tin tiêu cực trên báo chí và mạng xã hội, thậm chí dẫn đến tình trạng ngắt kết nối ở một bộ phận trong xã hội. Nên trong kỷ nguyên thông tin như bão lũ hiện nay thì nhiều quá có khi lại phản tác dụng, vậy nên mới có quan điểm trong báo chí thế giới rằng “Less is More” – làm ít mà chất lượng còn hơn là làm nhiều.
Báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã thử nghiệm và thấy rằng tuy những thông tin tiêu cực cũng có tác dụng cảnh báo xã hội và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người tiêu dùng tin tức, thúc đẩy họ có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, và khích lệ họ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã khuyến khích các cơ quan báo chí đi theo xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và cũng đã có những bước chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, không ít tờ báo vẫn có tư duy cũ, loay hoay với nỗi lo sụt giảm lượng truy cập đi kèm với sụt giảm doanh thu quảng cáo, hoặc vẫn đo hiệu quả của một bài báo bằng lượng “view” – một quan niệm không chính xác đối với báo điện tử, khi mà số lượt xem bị phụ thuộc vào thuật toán và những thứ bắt “trend” trong mạng xã hội.
Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm và con số thực tế trong đợt thông tin về bão lũ vừa qua, tôi hy vọng những người đứng đầu và cả đội ngũ nhà báo của các cơ quan báo chí thấy rằng báo chí tử tế, nhân văn mới là điều mà xã hội cần, và nội dung tích cực đạt hiệu quả cao chẳng kém gì, thậm chí có lúc còn hơn cả những thông tin gây sốc. Và điều quan trọng hơn khi đi theo con đường này không phải là việc hơn thua về lượng truy cập, mà là việc nó sẽ giúp cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn, con người suy nghĩ tích cực hơn, thấy thêm yêu cuộc sống và muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống đó.
+ Xin cảm ơn ông!
Hồng Sâm (Thực hiện)
Nguồn: https://www.congluan.vn/trong-thoi-ky-hien-nay-bao-chi-dang-di-theo-xu-the-khong-chi-phan-anh-ma-phai-cung-cap-luan-giai-va-giai-phap-post312816.html