Một số nghiên cứu cho thấy miếng bọt biển rửa chén có thể chứa nhiều vi khuẩn. Vi khuẩn có khả năng lây nhiễm lên mọi bề mặt mà miếng bọt biển chạm vào. Những vi khuẩn này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Miếng bọt biển thường được dùng để rửa nồi, thau hay chén, dĩa đựng thực phẩm… Chính điều này đã khiến bọt biển dễ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella gây tiêu chảy, đau thắt dạ dày, buồn nôn hay ói mửa.
Một thử nghiệm của các kỹ sư y sinh tại Đại học Duke (Mỹ) cho thấy miếng bọt biển có cấu trúc xốp và ẩm nên trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Bọt biển nhà bếp có khả năng nuôi cấy nhiều vi khuẩn hơn so với các đĩa nuôi cấy vi khuẩn thường được dùng trong phòng thí nghiệm. Vi khuẩn có hại trên bọt biển có thể gây hàng loạt vấn đề sức khỏe, từ viêm dạ dày nhẹ đến những tình trạng nghiêm trọng như viêm phổi.
Các loại vi khuẩn gây bệnh có thể xuất hiện trong bọt biển là campylobacter, enterobacter cloacae, E. coli, Klebsiella, moraxella osloensis, Salmonella hay staphylococcus. Trong đó, vi khuẩn enterobacter cloacae là một phần của hệ sinh khuẩn tự nhiên có trong đường ruột. Tuy nhiên, ở người hệ miễn dịch yếu, chúng có thể phát triển và gây bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi và viêm màng não.
Cách làm giảm vi khuẩn trong bọt biển
Để giảm thiểu rủi ro sức khỏe từ bọt biển, điều đầu tiên cần làm là không dùng chung một miếng bọt biển để chùi rửa mọi thứ. Miếng bọt biển dùng rửa chén phải khác bọt biển dùng để lau chùi các vật dụng đựng thịt sống.
Bọt biển cần được phơi và giữ ở nơi khô ráo sau mỗi lần sử dụng vì môi trường ẩm ướt sẽ kích thích vi khuẩn phát triển. Nếu nhà có lò vi sóng thì hãy để bọt biển vào lò trong khoảng 2 phút. Cách này có thể giúp giảm đáng kể lượng vi khuẩn trong bọt biển, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mieng-bot-bien-rua-chen-chua-nhieu-vi-khuan-lam-sao-de-tranh-mac-benh-185240917131852316.htm