Trong năm qua, các nhà khoa học trên khắp thế giới từng cố gắng tìm hiểu tín hiệu đó là gì. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, giờ đây họ đã có câu trả lời và nó cảnh báo rằng Bắc Cực đang tiến vào “vùng biển chưa được khám phá” khi nhiệt độ toàn cầu đang cao hơn bao giờ hết.
Một số nhà địa chấn học nghĩ rằng thiết bị của họ bị hỏng khi họ bắt đầu thu được những tần số rung động mặt đất vào tháng 9, theo Stephen Hicks, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà địa chấn học tại University College London cho biết và nói rằng mình đã rất bối rối trước hiện tượng “chưa từng xảy ra trước đây”.
Các nhà địa chấn học đã lần theo tín hiệu đến phía đông Greenland nhưng không thể xác định được vị trí cụ thể. Vì vậy, họ đã liên lạc với các đồng nghiệp ở Đan Mạch, những người đã nhận được báo cáo về một trận sóng thần do lở đất ở một vùng xa xôi có tên là Vịnh Dickson.
Trong gần 1 năm, 68 nhà khoa học ở 15 quốc gia đã chung sức, cùng sàng lọc dữ liệu địa chấn, vệ tinh và trên mặt đất, cũng như mô phỏng lại trận sóng thần để giải quyết câu hỏi.
Và theo phát hiện của nghiên cứu thì trong nhiều năm, sông băng ở chân một ngọn núi khổng lồ cao hơn 1.200 mét này đã tan chảy, nhiều sông băng khác ở Bắc Cực cũng đang nóng lên nhanh chóng.
Khi sông băng mỏng đi, ngọn núi ngày càng trở nên không ổn định và cuối cùng sụp đổ vào ngày 16 tháng 9 năm 2023, khối lượng băng và đá rơi xuống đủ để lấp đầy 10.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Và nó đã gây ra một làn sóng làm “rung chuyển Trái đất” theo đúng nghĩa đen. Theo tuyên bố từ Đại học California San Diego, một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu, “tín hiệu dao động với chu kỳ tới 92 giây giữa các đỉnh, quá chậm để con người có thể cảm nhận”.
Hicks cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể trực tiếp quan sát tác động của biến đổi khí hậu “dưới chân chúng ta”. Tín hiệu đã truyền từ Greenland đến Nam Cực trong khoảng một giờ.
Mặc dù sự kiện này không gây ra thiệt hại đáng kể về người, nhưng nó đã phá hủy một trạm nghiên cứu trên Đảo Ella, cách trận sạt lở băng đá này 70 km.
Trong vài thập kỷ qua, Bắc Cực đã ấm lên nhanh gấp bốn lần so các khu vực khác ở thế giới, dẫn tới các trận “siêu sóng thần” do lở đất có thể sẽ xảy ra nhiều hơn và gây ra hậu quả chết người.
Vào tháng 6 năm 2017, một trận sóng thần ở vùng tây bắc Greenland đã gây bốn người thiệt mạng và cuốn trôi nhiều ngôi nhà. Svennevig cho biết mối đe dọa này không chỉ giới hạn ở Greenland, mà còn cả các vịnh có hình dạng tương tự ở các khu vực khác, bao gồm Alaska, một số vùng ở Canada và Na Uy.
Paula Snook, nhà địa chất học về lở đất tại Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Na Uy, cho biết những gì xảy ra ở Greenland vào tháng 9 năm ngoái “một lần nữa chứng minh sự bất ổn đang diễn ra ở các sườn núi lớn ở Bắc Cực do sự nóng lên toàn cầu”.
Các trận lở đá gần đây ở Bắc Cực cũng như ở các vùng núi cao là “những tín hiệu đáng báo động”, Snook nói. “Chúng ta đang làm tan chảy lớp đất đã ở đóng băng trong nhiều nghìn năm”.
Trong khi đó, Svennevig cảnh báo rằng việc phát hiện ra các hiện tượng tự nhiên này đã cho thấy thế giới đang thay đổi theo cách ta không ngờ tới.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tran-sat-lo-tung-gay-ra-sieu-song-than-o-greenland-khien-trai-dat-rung-chuyen-post312669.html