Những ngày qua, triệu trái tim người dân tỉnh Đắk Lắk đau đáu, xót xa hướng về người dân các tỉnh phía Bắc. Chung tay hỗ trợ người dân vùng bão lũ, nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động “nhường cơm sẻ áo” với miền Bắc thân thương.
Nhường cơm sẻ áo
Ngay sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu của bão tàn phá khủng khiếp miền Bắc nước ta, nhân dân tỉnh Đắk Lắk từ thành thị đến nông thôn và vùng biên giới, từ cụ già đến các em nhỏ… đã có những hành động thiết thực nhất hướng về bà con vùng bị ảnh hưởng của thiên tai. Các hoạt động như: Rang lạc, gói bánh tét, tổ chức đêm nhạc gây quỹ, đóng góp nhu yếu phẩm, tổ chức Trung thu tiết kiệm… để sẻ chia với người dân các tỉnh phía Bắc đã cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cơn bão lũ.
Tại buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, gia đình Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê đã ủng hộ hơn 7 tạ gạo giống lúa ST 25 để gửi đến người dân vùng bão lũ. Gia đình xay xát, đóng gói thành từng bao nhỏ, chở ra thành phố Buôn Ma Thuột và gửi cho những chuyến xe 0 đồng để gửi ra miền Bắc.
Tại huyện Lắk – địa phương vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn, bà con người M’nông, Ê Đê tạm gác công việc nương rẫy, gùi lạc (đậu phộng) của nhà trồng đến chùa Quảng Trạch, xã Đắk Liêng để làm những hũ lạc muối. Hơn 4 tạ lạc được bà con gùi đến, cẩn thận loại những hạt kém chất lượng, rang đều tay, đóng gói từng hũ và bọc nilon để gửi ra khu vực phía Bắc.
Già Y Ganong, buôn Yang Lá, xã Đắk Liêng cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đối với người dân nhiều tỉnh, thành phía Bắc quá nặng nề. “Thấy thông tin về người dân tử vong, thiệt hại nhà cửa, già Y Ganong thương lắm nhưng không biết làm gì, chỉ biết góp sức làm nên những hũ muối lạc để gửi, chia sẻ và động viên bà con”, già Y Ganong chia sẻ.
Còn tại thành phố Buôn Ma Thuột, vừa qua, y bác sĩ các tỉnh Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cùng tình nguyện viên là ca sĩ, nhạc sĩ đã tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 8 năm thành lập chương trình “Dĩa cơm trên tường” và phát động ủng hộ 15.000 suất cơm tặng các bệnh viện ở 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang và Lào Cai. Số tiền hơn 400 triệu đồng quyên góp được trong đêm nhạc được dùng để cung cấp các suất cơm cho các bệnh viện ở những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão Yagi.
Cùng với đó, những ngày qua, người dân tỉnh Đắk Lắk đã tích cực vận động, ủng hộ nhu yếu phẩm, làm bánh tét hút chân không gửi ra vùng bão lũ. Những thùng bánh tét được vận chuyển bằng đường hàng không, hàng chục chuyến xe 0 đồng chở nhu yếu phẩm, hàng hóa ra cứu trợ nhân dân đã mang theo hy vọng, nghĩa tình, sự động viên nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Hình ảnh các tình nguyện viên miệt mài ngày đêm nhận hàng, khuân vác, bốc xếp… càng cho thấy tình người ấm áp giữa những tin tức đau thương về bão lũ.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, hướng về vùng bão lũ, bà con 35 dân tộc trên địa bàn đã vận động, quyên góp được gần 50 tấn hàng gồm nhu yếu phẩm, nước đóng chai, thuốc men. Đồng thời, các doanh nghiệp cùng nhân dân đã tự nguyện đóng góp được 400 triệu đồng tiền mặt. Sau khi vận động xong, đoàn thiện nguyện của huyện gồm 20 tình nguyện viên cùng hàng hóa, tiền mặt đã lên đường, hỗ trợ nhân dân xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Sưởi ấm tình người
Tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có thư kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Thời gian nhận ủng hộ đến ngày 10/10/2024. Trong thư kêu gọi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, mọi sự ủng hộ là nguồn động viên to lớn, thiết thực, giúp người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Hưởng ứng thư kêu gọi, các cơ quan, đơn vị, địa phương, hội đoàn thể, tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc. Đơn cử như huyện Cư Kuin kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mỗi người giúp một ngày lương trở lên; người lao động giúp một ngày thu nhập; đoàn viên, hội viên, thanh niên, hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên, tiết kiệm chi tiêu ủng hộ từ 30.000 đồng trở lên. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trước khi bắt đầu buổi lễ, đại biểu đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử nạn và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do bão số 3.
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng đã kêu gọi, vận động các tín đồ tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết, mở rộng yêu thương, chung tay hướng về miền Bắc, ủng hộ đồng bào đang chịu nhiều đau thương, khốn khó. Tính đến 17 giờ ngày 16/9, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận tiền ủng hộ được hơn 16,3 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Trần Văn Thuận cho biết, hướng về đồng bào vùng bão lũ, toàn thể cán bộ, nhân viên điện lực Đắk Lắk đã ủng hộ một ngày lương lao động, thu được 387 triệu đồng, kịp thời gửi về Trung ương để hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra. Bên cạnh đó, công ty liên hệ, nắm bắt tình hình thiệt hại và hỗ trợ Công ty Điện lực Lạng Sơn (đơn vị kết nghĩa) số tiền 50 triệu đồng để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, công ty tiếp tục ủng hộ 100 triệu đồng để gửi về cho nhân dân các tỉnh phía Bắc với mong muốn sẻ chia khó khăn với bà con.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Nông Thị Thu cho biết, lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã lan tỏa tới cộng đồng dân cư từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa và được nhà nhà, người người hưởng ứng nhiệt tình. Các em nhỏ đập heo đất, các cụ già dành tiền tiết kiệm để ủng hộ đồng bào vùng lũ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh mở tài khoản để tiếp nhận nguồn ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, số tiền tiếp nhận đang ngày càng tăng. Toàn bộ kinh phí tiếp nhận được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cập nhật, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về hiện vật, Mặt trận đã hướng dẫn gửi về Hội Chữ thập đỏ tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, liên hệ các tỉnh phía Bắc để phân bổ cứu trợ. Bên cạnh đó, Mặt trận đã định hướng các địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm có thời hạn sử dụng lâu dài, thiết thực đối với nhân dân vùng bão lũ.
Trong đại dịch COVID-19 hay trong bão lũ, trong hoạn nạn, nhân dân 49 dân tộc tỉnh Đắk Lắk đều luôn thực hiện các hoạt động sẻ chia với đồng bào vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Những hành động đẹp, thiết thực đã ngày càng thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy tinh thần tương thân tương ái – truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Baotintuc.vn