Mỹ yêu cầu ByteDance phải chọn bán hoặc thoái vốn TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025, nếu không phải đối mặt với lệnh cấm.
Mỹ yêu cầu ByteDance phải chọn bán hoặc thoái vốn TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025. (Nguồn: Getty) |
Ngày 15/9, luật sư đại diện cho TikTok và công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc đã trình bày trước Tòa phúc thẩm liên bang nhằm ngăn chặn luật cấm ứng dụng này tại Mỹ.
Ban hội thẩm của Tòa phúc thẩm liên bang Washington tham gia cuộc tranh luận trong 2 giờ đồng hồ về bản đệ trình của TikTok và ByteDance, yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm nền tảng mạng xã hội này.
Chính phủ Mỹ cho rằng, TikTok, dưới quyền sở hữu của công ty Trung Quốc, cho phép truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng, tạo điều kiện cho Bắc Kinh thao túng thông tin và đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, Washington sẽ cấm ứng dụng này từ ngày 19/1/2025.
Theo luật sư Andrew Pincus đại diện cho TikTok, Washington chưa chứng minh được các rủi ro an ninh từ ứng dụng, đồng thời khẳng định lệnh cấm này vi phạm Hiến pháp Mỹ, đặc biệt là Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Ông Pincus nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội nhắm đến một đối tượng cụ thể, cấm đoán quyền tự do ngôn luận của ứng dụng và 170 triệu người Mỹ”.
Trong khi đó, Washington yêu cầu ByteDance phải chọn bán hoặc thoái vốn TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.
Lo ngại Bắc Kinh có thể truy cập dữ liệu và theo dõi hoạt động của người dùng Mỹ, Quốc hội nước này đã thông qua lệnh cấm với số phiếu tán thành áp đảo. Tổng thống Joe Biden cũng đã ký ban hành đề xuất này thành luật vào tháng 4/2024.
Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ Daniel Tenny ủng hộ luật này và nhấn mạnh tính phức tạp trong việc giám sát mã nguồn của TikTok, vốn có hơn hai tỷ dòng mã được cập nhật liên tục mỗi ngày. Ông Tenny cảnh báo: “Có quá nhiều điều xảy ra ở Trung Quốc nằm ngoài kiểm soát của Mỹ, đe dọa an ninh nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, ngay trong chính bộ máy tư pháp Mỹ cũng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Thẩm phán Neomi Rao đặt vấn đề về việc xác minh mã nguồn trong bối cảnh có những thay đổi liên tục, trong khi thẩm phán Douglas Ginsburg lại so sánh điều này với quy định cấm sở hữu nước ngoài đối với giấy phép phát sóng.
Ngoài ra, Thẩm phán Sri Srinivasan đặt câu hỏi về việc Quốc hội có quyền cấm sở hữu nước ngoài đối với các cơ quan truyền thông lớn trong trường hợp Mỹ đối đầu căng thẳng với Trung Quốc hay không.
Theo luật cấm, các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google phải ngừng cung cấp TikTok nếu ByteDance không thoái vốn đúng hạn. Tổng thống Joe Biden có thể gia hạn thêm 3 tháng nếu ông lớn công nghệ ByteDance chứng minh những tiến triển trong quá trình bán lại TikTok.
Cả TikTok và Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu phán quyết trước ngày 6/12/2024 để Tòa án Tối cao có thể xem xét trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Vụ kiện diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối.
Đáng chú ý, các ứng viên như ông Donald Trump và bà Kamala Harris đều sử dụng TikTok để thu hút cử tri trẻ. Riêng ông Trump, vốn từng thất bại trong việc cấm TikTok năm 2020, tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh cấm ứng dụng này nếu đắc cử.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lenh-cam-su-dung-tiktok-gay-tranh-cai-phap-ly-tai-my-286662.html