Ngày 17-9, tại hội thảo về Hydrogen Việt Nam – Nhật Bản 2024 diễn ra ở TP.HCM, ông Nobuyuki Matsumoto, trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM, cho biết cũng như Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản cam kết đạt được trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Và để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đã chủ động mở rộng các nguồn năng lượng phi carbon, thay thế điện trong các ngành công nghiệp, tiêu dùng và giao thông vận tải bằng điện phi carbon, đồng thời thúc đẩy sử dụng hydro, amoniac, methane và nhiên liệu tổng hợp để tạo nhiệt, bên cạnh các sáng kiến khử carbon khác.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh từ năm 2020, với hydro và amoniac được đặt làm các ngành chủ chốt.
Một kế hoạch đổi mới xanh trị giá khoảng 2.000 tỉ yen (tương đương 13 tỉ USD) đã được thành lập cho năm 2021.
Ngoài ra, Luật Xúc tiến chuyển đổi (GX) đã được ban hành vào tháng 5-2023, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội, được kích thích bởi đầu tư tư nhân.
Mục tiêu của luật là thúc đẩy ba yếu tố sau theo cách toàn diện và chiến lược. Thứ nhất là giảm khí thải nhà kính; thứ hai là đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định; và thứ ba là thay đổi cơ cấu công nghiệp và xã hội, bao gồm cả lối sống và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra vào tháng 5-2024, Đạo luật Xúc tiến xã hội hydro đã được thông qua nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng hydro vào thực tiễn xã hội.
Mục tiêu chính của chương trình này là xem xét các kế hoạch của các công ty muốn áp dụng và sử dụng hydro và cung cấp hỗ trợ cho các công ty đã được phê duyệt.
“Chiến lược dài hạn của Nhật Bản sẽ tập trung vào sản xuất điện phi carbon, với mục tiêu áp dụng các công nghệ hydro và amoniac vào các nhà máy nhiệt điện.
Một dự án thử nghiệm tại nhà máy nhiệt điện 1GW đã bắt đầu vào tháng 4 và hoàn thành vào tháng 6 năm nay. Công nghệ đốt cháy hydro và amoniac sẽ được phát triển với mục tiêu thương mại hóa vào những năm 2030″, ông Nobuyuki Matsumoto chia sẻ kế hoạch của Nhật Bản.
Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam
Hội thảo thu hút các nhà đầu tư, nhà xây dựng Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng trao đổi thông tin về kinh nghiệm phát triển dự án cũng như đánh giá tiềm năng phát triển năng lượng hydrogen ở Việt Nam. Qua đó, nắm bắt các cơ hội tham gia xu hướng năng lượng mới trong khu vực tư nhân và công cộng.
Ông Lê Ngọc Ánh Minh, chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN (VAHC), cho biết trong những năm gần đây việc bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời gặp một số khó khăn.
Cùng với sự hỗ trợ Nhật Bản, tháng 3-2023, VAHC đã được thành lập và có nhiều hoạt động hỗ trợ các bên liên quan nâng cao hiểu biết, sự quan tâm về nguồn năng lượng này.
Các thành viên của câu lạc bộ là những chuyên gia làm việc về năng lượng tái tạo, công nghiệp nặng và phân tích thị trường năng lượng.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt, phát triển năng lượng hydrogen gắn với mục tiêu tổng quan dựa trên năng lượng tái tạo.
Định hướng đến năm 2050, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử carbon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050.
Đi cùng với chiến lược này, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính xanh cũng như tiền thuê đất cho các dự án đạt tiêu chuẩn về phát triển năng lượng hydrogen.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu toàn cầu về hydro và các nhiên liệu khác dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2050 so với năm 2022, với các ứng dụng trong ngành như sản xuất thép giảm phát thải, sản xuất năng lượng tại chỗ và vận chuyển như ô tô, xe tải và phát điện.
Tuy nhiên, giá hydro hiện đang rất cao so với nhiên liệu hóa thạch, làm cho vai trò của Chính phủ trở nên quan trọng cùng với khu vực tư nhân và các đồng minh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhat-ban-va-viet-nam-tim-co-hoi-hop-tac-phat-trien-nang-luong-hydrogen-20240917154249597.htm