Saigontel (SGT) doanh thu từ hoạt động cốt lõi giảm 50%
Theo BCTC hợp nhất bán niên 2024, Saigontel ghi nhận doanh thu thuần 360,8 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp do đó cũng giảm 22,7% xuống còn 78,9 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 21,8%.
Đáng chú ý, cơ cấu doanh thu của Saigontel ghi nhận sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh doanh chính.
Cụ thể, doanh thu hoạt động thương mại – dịch vụ với lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền thông… chỉ mang về 205,7 tỷ đồng, giảm tới một nửa so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê đất, văn phòng và nhà xưởng lại tăng từ 65,5 tỷ lên 155,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 136%.
Sự mất cân đối trong doanh thu cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi về hạ tầng viễn thông, công nghệ đang bị Saigontel lơ là. Trong khi công ty lại sa đà vào mảng cho thuê đất, văn phòng và nhà xưởng vốn không phải thế mạnh trước đây.
Doanh thu giảm sút nhưng các chi phí để duy trì hoạt động của Saigontel không được tiết giảm, thậm chí còn gia tăng.
Đáng kể nhất là chi phí tài chính, tăng thêm 6 tỷ đồng, chiếm 44,8 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí lãi vay đã chiếm 39,4 tỷ đồng. Bù lại doanh thu hoạt động tài chính lại gia tăng đáng kể, mang về 46,2 tỷ đồng với nguồn lãi từ hoạt động ủy thác đầu tư trong kỳ.
Chi phí bán hàng giảm xuống chỉ còn hơn 753 triệu đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng thêm hơn 6 tỷ, chiếm 49,6 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn phải gánh chịu thêm khoản chi phí khác với 13 tỷ đồng.
Kết quả, Saigontel báo lãi trước thuế 21,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,4 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với mục tiêu lãi trước thuế 450 tỷ đầy tham vọng thì hiện tại SGT mới hoàn thành chưa tới 5% mục tiêu đề ra.
Gánh nặng nợ vay tiếp tục gia tăng, dòng tiền âm 229,8 tỷ đồng
Một trong những chi phí đang gây sức ép lớn nhất cho Saigontel là chi phí tài chính. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay đến từ số nợ hàng nghìn tỷ đồng mà đơn vị này đã vay.
Tính tới cuối Quý 2/2024, tổng nguồn vốn của SGT ghi nhận ở mức 7.182,5 tỷ đồng. Trong đó có tới 72,5% là nợ phải trả, tương đương 5.205,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 1.977,3 tỷ đồng.
Ghi nhận về nợ vay ngắn hạn của SGT trong 6 tháng đầu năm cũng đã gia tăng gần 200 tỷ đồng, chiếm 1.607,4 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn tăng gần 50 tỷ đồng, chiếm 2.017,5 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của SGT hiện chiếm 3.624,9 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với vốn chủ hiện tại cho thấy rủi ro không hề nhỏ trong hoạt động quản trị nguồn vốn của công ty.
Ngoài ra, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm Saigontel âm dòng tiền tới 229,8 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Điều này đã khiến công ty phải tăng cường vay nợ, tìm kiếm nguồn tiền bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Kết quả, công ty đã vay thêm 852,1 tỷ đồng trong khi chỉ trả nợ gốc 595,5 tỷ đồng. Dòng tiền thu về từ hoạt động tài chính do đó tăng thêm 256,6 tỷ đồng toàn bộ từ tiền đi vay nợ.
Saigontel đang là ‘con nợ’ của những đơn vị nào?
Có thể thấy khoản nợ vay hơn 3.624 tỷ đồng đang là vấn đề nổi cộm trong hoạt động của Saigontel. Vậy công ty này đang vay nợ của những đơn vị nào?
Trên thuyết minh của BCTC hợp nhất bán niên 2024 ghi nhận Saigontel đang vay ngắn hạn của các bên liên quan 961,5 tỷ đồng và của các ngân hàng 341,2 tỷ đồng.
Đáng kể nhất là khoản vay 493,3 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Phát triển Long An và khoản vay 329,6 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.
Đối với các khoản vay dài hạn, Saigontel đang vay 472 tỷ đồng từ các bên liên quan và vay ngân hàng tới 1.502 tỷ đồng.
Trong đó khoản vay đáng chú ý nhất lên tới 1.425,5 tỷ đồng tại một ngân hàng lớn. Đây là khoản vay được dùng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: https://www.congluan.vn/saigontel-sgt-sa-da-vao-cho-thue-bat-dong-san-moi-hoan-thanh-5-ke-hoach-nam-post312662.html