Sau gần 5 tháng thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân trong khu phố cổ, UBND TP Hội An cho biết, vừa thông báo điều chỉnh một số quy định.
Theo quy định mới này, các hộ dân cư muốn đón khách vào lưu trú trong khu phố cổ Hội An phải đáp ứng các điều kiện: Là cư dân bản địa Hội An, có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động. Đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương, hoặc được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục…
Ưu tiên, khuyến khích hộ gia đình có tổ chức cuộc sống gắn liền với hoạt động sản xuất – kinh doanh các ngành, nghề truyền thống; có các hoạt động sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật… để du khách tham gia trải nghiệm.
Từ một phố cũ điêu tàn, hoang phế và thiếu sức sống ở thời điểm năm 1999, Hội An đã thay đổi đến khó tin nhờ phát triển du lịch – nhất là khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Tuy vậy, yếu tố con người Hội An được xem là “di sản” quan trọng nhất. Vì vậy, việc chính quyền chú trọng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nhân tình thuần hậu là cần thiết.
Tuy nhiên, quy định các hộ dân “Đạt gia đình văn hóa tiêu biểu, hoặc được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục” mới được kinh doanh lưu trú, đón khách tại khu phố cổ là không ổn. Thậm chí, quy định này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bởi “gia đình văn hóa” chỉ là giấy chứng nhận mang tính phong trào, khen thưởng về sinh hoạt, ứng xử văn hóa của các hộ dân. Không phải là văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ, đưa vào quy định cấm hoặc cho kinh doanh. Hiến pháp cũng quy định mọi người đều có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Hội An khuyến khích các hộ dân có hoạt động sản xuất – kinh doanh các ngành nghề truyền thống; có các hoạt động sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật, được tổ chức đón khách lưu trú là muốn phố cổ có thêm “sinh khí”, duy trì và phát huy các sinh hoạt văn hóa, lan tỏa đến du khách. Nhưng khu phố cổ đang ở tình trạng quá tải. Phần lớn không gian kiến trúc của nhà cổ Hội An là không ngăn phòng, thiếu công trình vệ sinh… đặc biệt sẽ rất khó đáp ứng vấn đề phòng cháy chữa cháy khi kinh doanh lưu trú trong nhà cổ, bằng gỗ… Nay đưa thêm khách vào lưu trú trong nhà cổ là giải pháp mâu thuẫn thực tế.
Quy định hộ dân phải có giấy công nhận gia đình văn hóa mới được làm lưu trú, đón khách trong phố cổ là thiếu công bằng. Bởi kinh doanh lưu trú ở các khu vực ngoài phố cổ không cần giấy chứng nhận “gia đình văn hóa”. Không có giấy chứng nhận này, không có nghĩa những hộ dân, doanh nghiệp, cá thể đang kinh doanh lưu trú khác là… thiếu văn hóa.
Còn nữa, sau 3 năm (liên tiếp) nếu không được cấp giấy chứng nhận “gia đình văn hóa” thì liệu có đình chỉ, cấm kinh doanh lưu trú, đón khách hay không?
Vì vậy, lấy giấy chứng nhận “gia đình văn hóa” để quy định cứng việc được hay không cho kinh doanh lưu trú, đón khách trong phố cổ, không những gây ra tranh cãi trái chiều mà còn bất ổn cả lý lẫn tình.
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/quy-dinh-moi-lam-luu-tru-o-pho-co-hoi-an-chua-hop-ly-1394775.ldo