Tham dự hội nghị, về khách mời phía Nhật Bản có, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam Nikai Toshihiro cùng đoàn đại biểu gồm các nghị sĩ, lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các tổ chức kinh tế của Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Lãnh đạo phía Việt Nam gồm: ông Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Trung ương hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm gắn bó mật thiết hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Cả hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Với tinh thần “Đẩy nhanh hợp tác và phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh”. Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản đánh một dấu mốc mới cho sự phát triển lâu dài của hai nước cho giai đoạn tiếp theo và cũng là sự kiện quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh nổi bật và hấp dẫn của tỉnh.
Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với đầy đủ các vùng: đồng bằng, ven biển, trung du và miền núi, có hệ thống giao thông đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường Hàng không kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Thanh Hóa sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc biệt, được UNESCO và quốc gia công nhận. Đặc biệt, ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển. Bên cạnh đó, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa cho biết: “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách nhà nước hơn 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 145 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, ngài Nikai Toshihiro – Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Nhật Bản nhấn mạnh: Năm nay là một năm rất quan trọng đánh dấu mốc lịch sử kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh Châu Á. Mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…
Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lên tới 2.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất Châu Á. Tăng gấp 3 lần so với 15 năm gần đây. Ngoài ra số lượng người Việt Nam hiện đang cư trú và sinh sống tại Nhật Bản lên đến 490.000 người, đứng thứ 2 trong tổng số người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.
Trong lĩnh vực du lịch, việc đi lại giữa các nước bị hạn chế trong 3 năm gần đây do đại dịch Covid – 19 nhưng đối với người Nhật thì Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giao lưu địa phương cũng rất quan trọng. Trong đoàn giao lưu lần này có sự tham gia của các Thống đốc và Phó thống đốc các tỉnh Yamanashi, Niigata, Wakayama. Đại diện chính quyền của các tỉnh đến từ Nhật Bản cũng rất mong muốn được xúc tiến và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.