Việc Thụy Điển vừa tái lập phái bộ ngoại giao tại Triều Tiên sau thời gian gián đoạn vì Covid-19 đã nhen nhóm lên hy vọng cho Mỹ về một sức sống mới cho đối thoại với quốc gia Đông Bắc Á này.
Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Thụy Điển có phái bộ tại Seoul, Bình Nhưỡng và Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên – nơi Stockholm đóng vai trò là thành viên của ủy ban giám sát hiệp định đình chiến năm 1953 giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Năm 2020, các nhà ngoại giao Thụy Điển đã buộc phải rời Triều tiên khi Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Thụy Điển mới đây tuyên bố, một nhóm nhân viên ngoại giao nước này đã trở lại Triều Tiên hôm 13/9 và “hiện giờ có thể tiếp tục các hoạt động thường trực của Đại sứ quán”.
Do Washington-Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao nên Thụy Điển đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Triều Tiên
Ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã hoan nghênh đông thái trên, gọi Thụy Điển là “sức mạnh bảo vệ” của Washington tại Bình Nhưỡng.
Phát biểu họp báo, ông Miller chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ việc các nhà ngoại giao nước ngoài trở lại Bình Nhưỡng và hy vọng rằng, diễn biến này sẽ truyền thêm luồng sinh khí mới cho tiến trình đối thoại, ngoại giao và các hình thức tương tác mang tính xây dựng khác với Triều Tiên”.
Tình hình đối thoại Washington-Bình Nhưỡng từ lâu đã đình trệ, khi Mỹ liên tục phản đối các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong khi thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với Hàn Quốc bất chấp phản ứng của quốc gia Đông Bắc Á bên kia DMZ.
Bình Nhưỡng cáo buộc rằng, việc Washington và Seoul tiến hành các cuộc tập trận chung là để chuẩn bị cho xung đột, cảnh báo Triều Tiên sẽ đáp trả. Tuy nhiên, cả Mỹ và Hàn Quốc đều bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng các cuộc không nhằm vào bên nào.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doi-thoai-voi-trieu-tien-nhu-den-truoc-gio-my-mong-doi-luong-sinh-khi-moi-tu-mot-su-gia-bac-au-286586.html