Hợp đồng của chuyên gia bắn súng Park Chung-gun với Cục TDTT hết hạn từ ngày 31.8. Do không nhận được lời đề nghị gia hạn, ông Park đã trở về Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh thông tin, ngành thể thao đã gửi thư đề nghị gia hạn hợp đồng với ông Park.
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì cuộc họp với Cục TDTT để nghe giải trình vấn đề liên quan đến ông Park Chung-gun. Dự kiến, buổi làm việc của ngành thể thao với chuyên gia người Hàn Quốc diễn ra vào ngày 24.9. Song, chưa có gì đảm bảo đôi bên tìm được tiếng nói chung.
Chuyên gia Park Chung-gun đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về tâm tư, nguyện vọng trước khi đàm phán hợp đồng mới với Cục TDTT, cũng như nhận định về những mục tiêu mà ngành thể thao dự kiến giao phó.
Tiền lương không phải vấn đề
Còn 8 ngày trước cuộc đàm phán chính thức với Cục TDTT. Ông đã có quyết định của mình chưa, thưa ông?
Tôi chưa có quyết định. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cuộc trao đổi với ngành thể thao vào ngày 24.9. Mọi thứ vẫn để ngỏ phía trước.
Ông đặt ra điều kiện gì để ký hợp đồng mới?
Tôi không có điều kiện gì phức tạp cả. Nếu có, đó là tôi muốn được tạo điều kiện làm việc thực sự. Tôi muốn họ để cho tôi làm đúng công việc của mình. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi mức lương cao. Đó không phải vấn đề.
Mục tiêu 3 HCV SEA Games 33 (năm 2025), 2 HCV ASIAD 20 (2026) và 1 HCV Olympic (2028) mà Cục TDTT đưa ra liệu có quá sức với bắn súng Việt Nam?
Tôi cho rằng 3 HCV SEA Games là mục tiêu khả thi. 2 HCV ASIAD cũng có thể, dù tương đối khó khăn. Còn 1 HCV Olympic thì rất khó, không thể cam kết được. Giành HCV ở thế vận hội là điều rất, rất khó khăn.
Tôi chỉ phụ trách một bộ phận VĐV ở đội tuyển bắn súng Việt Nam (súng ngắn hơi nam), nên việc họ giao cho tôi chỉ tiêu huy chương của cả đội tuyển bắn súng là chưa hợp lý.
Ví dụ ở nội dung súng trường, dù chúng ta có chuyên gia đẳng cấp thế giới ở đây, cũng chẳng có gì đảm bảo thành công với chất lượng VĐV hiện tại. Trong khi đó, việc tìm kiếm nguồn VĐV cho đội tuyển bắn súng Việt Nam không phải nhiệm vụ của tôi.
Bắn súng Việt Nam có thể cạnh tranh với các cường quốc bắn súng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ chỉ với việc thuê chuyên gia giỏi?
Tôi chưa rõ lãnh đạo Cục TDTT mong muốn điều gì, vì còn phải chờ đàm phán. Song, bắn súng Việt Nam đã có HCV ở Olympic và ASIAD. Đó đều là sân chơi khó khăn, nhưng tôi và các VĐV đã làm được.
Hãy nhớ rằng để cạnh tranh ở Olympic, bắn súng Việt Nam phải đối đầu với cả thế giới, chứ không thuần túy là tranh đấu ở Đông Nam Á. Hãy nhìn những cường quốc bắn súng như Trung Quốc, Hàn Quốc để thấy. Chỉ riêng số lượng VĐV bắn súng thôi, họ đã rất khác biệt so với chúng ta rồi.
Bắn súng Việt Nam thiếu đạn suốt 5 năm
Bắn súng Việt Nam còn thiếu những gì để đua ở ASIAD hay Olympic?
Khác biệt của bắn súng Việt Nam so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc thật khó tưởng tượng nổi.
Tôi lấy ví dụ thế này: các VĐV Việt Nam không được cung cấp đầy đủ đạn thật trong suốt 5 năm qua. Chúng tôi nên làm gì nếu nhận chỉ tiêu phải giành huy chương, nhưng VĐV còn chẳng có đủ đạn thật để mà bắn?
Tuy nhiên, đội tuyển bắn súng không phàn nàn. Chúng tôi đã vô cùng nỗ lực và đến nay đạt được thành tích đáng ghi nhận.
Khác biệt giữa bắn súng Việt Nam và các nước tiên tiến là gì, thưa ông?
Hệ thống thể thao học đường, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo và nguồn lực VĐV.
Nếu tiếp tục hợp tác, ông vẫn sẽ giữ nguyên tắc làm việc của mình?
Nguyên tắc của tôi là làm việc thẳng thắn và chân thành, không có bất cứ ai là ngoại lệ. Mới đây, từng thấy một VĐV không nghiêm túc khi chuẩn bị cho sân chơi lớn và tôi phải góp ý trực tiếp. Với tôi, chỉ những VĐV chăm chỉ và tận hiến mới được trao cơ hội.
Tôi luôn trao đổi cởi mở với cả lãnh đạo môn lẫn các VĐV, nhưng tôi sẽ không thay đổi nguyên tắc làm việc. Thể thao không nên có ngoại lệ.
Còn với ai nghi ngờ năng lực hay chuyên môn của tôi, họ nên tự hỏi rằng họ đã từng là VĐV chưa, dù chỉ một ngày thôi? Nếu họ chưa từng là VĐV thì sẽ không hiểu được tâm tư suy nghĩ của VĐV.
Điều tôi mong muốn là sự thẳng thắn và chân thành. Tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng quyết định của mình. Nếu ngành thể thao cần tôi, tôi hứa sẽ tận hiến.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Chuyên gia bắn súng Park Chung-gun tốt nghiệp ĐH Thể thao quốc gia Hàn Quốc và ĐH Kookmin, với đề tài luận văn tốt nghiệp nghiên cứu về sức mạnh tinh thần của VĐV bắn súng. Ông Park Chung-gun được cấp giấy phép giảng viên bắn súng cấp 1 của Hàn Quốc, được cấp giấy phép hạng C HLV của Liên đoàn Bắn súng quốc tế năm 1993. Hiện ông được cấp phép HLV chuyên nghiệp.
Ông Park Chung-gun gắn bó với bắn súng Việt Nam trong hơn 10 năm. Ông cùng HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung dìu dắt Hoàng Xuân Vinh đến đỉnh cao Olympic 2016 (1 HCV, 1 HCB), cùng với Hoàng Xuân Vinh huấn luyện Phạm Quang Huy đoạt 1 HCV ASIAD 19. Ông cũng giúp Phạm Quang Huy và Trịnh Thu Vinh đoạt HCV bắn súng châu Á 2023 (nội dung 10 m súng ngắn hơi hỗn hợp nam nữ), đưa Trịnh Thu Vinh vào tốp 5 giải vô địch bắn súng thế giới, đứng hạng tư Olympic 2024 nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ…
Với cương vị chuyên gia đội tuyển bắn súng, ông hưởng lương 6.000 USD/tháng – mức lương không cao cho một chuyên gia ở cấp độ thể thao đỉnh cao!
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-ban-sung-park-chung-gun-toi-chua-bao-gio-doi-hoi-luong-cao-18524091617475327.htm