Vừa qua, IShowSpeed – một YouTuber và streamer nổi tiếng với 29,8 triệu lượt theo dõi trên YouTube đã đến Việt Nam để tham gia một sự kiện diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vào ngày 14/9, trong chuyến tham quan của mình, anh chàng này đã bị “hét giá” 1 triệu đồng/một giờ khi thuê xe điện cân bằng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Dù số tiền bị “chặt chém” không quá lớn, nhưng hành động này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an phường Bến Nghé, quận 1 đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Những người liên quan đến vụ việc đã được mời về trụ sở làm việc ngay trong đêm 14/9.
Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, nhóm người trên đã nhận thức được sai lầm và tìm đến khách sạn nơi IShowSpeed đang lưu trú để xin lỗi. Đại diện của IShowSpeed đã chấp nhận lời xin lỗi, nhận lại tiền và gửi lời cảm ơn đến cơ quan chức năng vì đã xử lý vụ việc nhanh chóng.
Những người cho thuê xe điện cân bằng trong đoạn clip của streamer IshowSpeed – (Ảnh chụp màn hình). |
Không chỉ dừng lại ở một vụ việc đơn lẻ, hành động này làm nổi bật một tư duy kinh doanh đã tồn tại từ lâu trong ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, đó là tư duy “chặt chém”. Du khách nước ngoài, dù có kinh nghiệm du lịch, vẫn thường trở thành nạn nhân của những chiêu trò ép giá.
Điều này không chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh mà còn lan rộng ra nhiều nơi khác. Ví dụ, tại Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ – nơi có nhiều khách du lịch – từng diễn ra nhiều vụ người bán hàng “chặt chém” du khách gây bức xúc dư luận và đều được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, công khai, minh bạch. Có thể kể đến những vụ như vụ bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng, bán 4 chiếc bánh rán giá 50.000 đồng, “chặt chém” 1 củ khoai nướng 80.000 đồng…
Hoặc vào năm 2019, một cặp du khách Pháp đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc họ bị một quán ăn ở Hội An “chặt chém” khi thanh toán hóa đơn. Số tiền phải trả cao hơn gấp nhiều lần so với mức giá thông thường, làm xấu đi ấn tượng về thành phố cổ vốn nổi tiếng với sự hiếu khách.
Một số du khách cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm của họ khi bị áp đặt các dịch vụ không mong muốn. Anh Max Foulds, một du khách, đã kể về việc người bán hàng rong làm sạch đôi giày của anh mà không được hỏi trước về giá cả. Mặc dù không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng những trải nghiệm như vậy vẫn ảnh hưởng đến tâm lý và cảm nhận của du khách về đất nước ta.
Bà Lê Thanh Thảo, Chi hội trưởng của Hiệp hội Du lịch Hà Nội, đã chỉ ra rằng các hành vi “chặt chém” đang khiến du khách trở nên dè chừng và không còn cảm giác thoải mái khi đi du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình du lịch mà còn đẩy lùi mong muốn của du khách trở lại các điểm đến.
Theo thống kê, tháng 8/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Có thể thấy sự phục hồi ngành du lịch nước ta là rất ấn tượng. Đặc biệt là đối với thị trường du khách quốc tế. Việt Nam có tiềm năng du lịch vô cùng lớn, từ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, văn hóa độc đáo đến con người thân thiện. Nhưng nếu không thể thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh dịch vụ, Việt Nam có thể mất dần sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Vấn nạn chặt chém không chỉ là hành động cá nhân của một vài người kinh doanh mà còn phản ánh một phần tư duy trong cung cách phục vụ của nhiều nơi.
Từ vụ IshowSpeed có thể thấy tư duy ‘chặt chém’ làm hình ảnh Việt Nam xấu xí trong mắt du khách – (Ảnh chụp màn hình). |
Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, nhấn mạnh, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phục vụ du khách, khi đó chúng ta mới khai thác và phát triển du lịch bền vững. Song song với đó, phía chính quyền địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của người bán hàng rong. Đồng thời giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống camera và nâng cao an ninh tại các khu vực du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách.
Tư duy “chặt chém” không chỉ là một vấn đề về giá cả mà còn phản ánh một lối kinh doanh thiếu trung thực, gây tổn hại sâu sắc đến hình ảnh quốc gia. Khi du khách quốc tế đến Việt Nam, họ mong muốn trải nghiệm văn hóa, con người và dịch vụ với lòng hiếu khách. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với việc bị ép giá, những kỳ vọng tốt đẹp đó nhanh chóng tan biến.
Thay vì những ấn tượng về cảnh quan tươi đẹp hay nền văn hóa phong phú, nhiều du khách lại ra về với cảm giác bị lợi dụng và thiếu tôn trọng. Điều này không chỉ khiến họ mất lòng tin vào ngành du lịch Việt Nam, mà còn có nguy cơ tạo ra những lời phàn nàn, chỉ trích trên các diễn đàn quốc tế, làm hình ảnh của Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt bạn bè năm châu. Trong thời đại mạng xã hội phát triển, những vụ việc tiêu cực có thể lan truyền nhanh chóng, gây thiệt hại to lớn và lâu dài cho ngành du lịch, vốn là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước.
Trước tình trạng “chặt chém” làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có những động thái cụ thể nhằm cải thiện tình hình. Cục yêu cầu các địa phương chỉ đạo ban quản lý khu du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác tự kiểm tra và giám sát, nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như môi trường tại các điểm du lịch.
Các đơn vị kinh doanh được yêu cầu nghiêm túc tuân thủ quy định về đăng ký và niêm yết công khai giá cả, đặt bảng niêm yết giá tại khu vực lễ tân và những vị trí dễ quan sát, giúp du khách tiếp cận thông tin trước khi sử dụng dịch vụ. Việc tự ý tăng giá hay ép giá khách hàng bị cấm hoàn toàn, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Các cơ quan chức năng nên thiết lập đường dây nóng, tạo điều kiện cho du khách phản ánh các vấn đề liên quan đến ép giá, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời và công khai các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, việc áp dụng chế tài nghiêm khắc với những cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận và ép giá sẽ tạo sức răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn vấn nạn này tái diễn.
Nguồn: https://congthuong.vn/tu-vu-ishowspeed-loai-bo-ngay-tu-duy-chat-chem-lam-xau-xi-hinh-anh-du-lich-viet-nam-346255.html