Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Pháp chế, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), Thành viên Tổ soạn thảo Thông tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty phát điện: Tổng công ty phát điện 1, Tổng công ty phát điện 2, Tổng công ty phát điện 3, Tổng công ty điện lực-TKV, Tổng công ty điện lực dầu khí, các Tổng công ty điện lực: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn một số các đơn vị khác có liên quan: Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam, Công ty CP thủy điện miền Trung, Công ty CP thủy điện miền Nam, Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu, Công ty CP Sông Ba, Công ty TNHH Điện Ô Môn II, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long, Công ty CP Năng lượng Bitexco.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết, thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Tổ soạn thảo Thông tư quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thay thế Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 và Thông tư số 24/2019/TT-BCT ngày 14/11/2019), trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức liên quan, trong bối cảnh nhiều chính sách mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổ soạn thảo đã thực hiện rà soát, trao đổi và thống nhất về việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung tại Dự thảo Thông tư. Cụ thể như sau: (1) Bổ sung các quy định liên quan đến đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện, bổ sung quy định về đối tượng tham gia thị trường điện, cơ chế chào giá, cơ chế thanh toán cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện; (2) Sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với hiện trạng vận hành thị trường điện và các vấn đề thực tiễn trong công tác vận hành thị trường điện; (3) Sửa đổi, bổ sung các quy định trong công tác lập kế hoạch vận hành thị trường điện, quy định về lập lịch huy động các nhà máy đảm bảo ràng buộc bao tiêu nhiên liệu/sản lượng của các nhà máy điện BOT, nhà máy điện có cam kết bao tiêu nhiên liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang sang hợp đồng mua bán điện; (4) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển A0 về Bộ Công Thương; (5) Bổ sung quy định liên quan đến chức danh “kỹ sư Điều hành giao dịch thị trường điện” cho A0; (6) Đưa các quy trình hướng dẫn thực hiện Thông tư thành các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư; (7) Bỏ nội dung về giải quyết tranh chấp và xử phạt vi phạm hành chính do nội dung này đã được quy định trong các Nghị định liên quan của Chính phủ và Thông tư khác của Bộ Công Thương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị cần tập trung thảo luận những vấn đề được Cục Điều tiết điện lực báo cáo. Đồng thời, đề nghị Tổ soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tại Hội nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo Thông tư bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với các đề xuất khác liên quan đến điều chỉnh thiết kế thị trường điện sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp ngay khi Luật điện lực sửa đổi có hiệu lực.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe các ý kiến góp ý, các giải pháp của đại diện các đơn vị có liên quan và EVN, NSMO nhằm tháo gỡ một số vướng mắc của ngành điện tại Dự thảo thông tư về cơ chế thanh toán, về thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh…
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thị trường điện của Việt Nam đã được thiết kế và đưa vào vận hành hơn 12 năm. Giai đoạn đầu, thị trường được thiết kế nhằm khuyến khích các loại hình nguồn điện phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, với sự xuất hiện đa dạng của các loại hình nguồn điện và sự thay đổi về cơ cấu hệ thống, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh tiến đến thiết kế lại thị trường điện cho phù hợp. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phát triển thị trường theo cả 03 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình đề xuất sửa đổi bổ sung luật pháp, cần phải rà soát, sửa đổi bổ sung những quy định thuộc thẩm quyền của Bộ. Về việc sửa đổi Thông tư 45 trong bối cảnh Luật điện lực vẫn chưa được sửa đổi và chưa thể thay đổi căn bản thị trường điện, chỉ trao đổi các nội dung đã được Tổ soạn thảo tiếp thu đưa vào Dự thảo Nghị định. Về cơ bản, các nội dung đã được thống nhất cao, tuy nhiên vẫn cần phải xem xét và bổ sung một số vấn đề chi tiết để làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của NSMO.
Đối với một số vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng giao EVN, NSMO đề xuất nguyên tắc, phương pháp xác định và hiệu chỉnh giá công suất thị trường, sản lượng hợp đồng, loại hình tham gia thị trường điện của một số nhà máy thủy điện phù hợp hiện trạng hệ thống điện Việt Nam, tuân thủ quy định hiện hành; gửi lấy ý kiến của Tổ soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo Thông tư và trình ban hành trong tháng 9 năm 2024.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/som-hoan-thien-du-thao-thong-tu-quy-dinh-van-hanh-thi-truong-ban-buon-dien-canh-tranh.html