VHO – Theo Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hoá), nhờ công tác phòng chống bão nghiêm túc cùng với việc bão không đổ bộ vào tỉnh Thanh Hoá nên Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh vẫn an toàn.
Theo đó, sáng 8.9, sau khi cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh kiểm tra nhận thấy tất cả các địa điểm thuộc khu di tích vẫn đảm bảo an toàn, hệ thống cây di sản, toà Chính điện, các toà Thái Miếu, khu đền thờ, lăng mộ không bị ảnh hưởng, không có thiệt hại về tài sản và con người.
Ngay sau đó, công tác dọn dẹp, vệ sinh được tiến hành gấp rút để theo kế hoạch tất cả các địa điểm, di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ mở cửa đón khách tham quan trở lại từ ngày hôm nay 8.9.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.
Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh – Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.
Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biêt Lam Kinh có tổng diện tích hơn 200ha, trong đó có trên 100ha rừng tự nhiên lâu đời.
Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 200 – 300 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương và nhiều loài dược liệu quý.
Đặc biệt, rừng Lam Kinh có 18 cây di sản gồm các loại: đa, lim, sấu, đại, xoài đất, dổi..vv, trong đó có 13 cây thuộc phạm vi di tích Lam Kinh và 5 cây thuộc phạm vi đền thờ Lê Lai.
Đây đều là những cây có tuổi đời trên 200 năm có giá trị về bảo tồn nguồn gien thực bản địa quý như cây lim, dổi.
Ngoài ra những cây di sản này còn có hình dáng đặc sắc, độc đáo có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, mỹ quan gắn với sự tồn tại của kinh đô thờ tự cổ của nhà Hậu Lê cách đây hơn nửa thế kỷ.
Được biết, trong ba ngày, từ 23-25.9 (tức ngày 21, 22, 23 tháng 8 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) sẽ diễn ra Lễ hội Lam Kinh năm 2024, kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Lễ hội tổ chức quy mô cấp tỉnh, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ chính tại sân rồng thuộc di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh; Lễ rước kiệu Vua Lê Thái tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai; tế lễ tại các đền thờ, các tòa thái miếu, lăng mộ trong khu di tích; lễ dâng hương, giỗ bà Hàng Dầu trên đỉnh núi Dầu. Phần hội là chương trình nghệ thuật. Lễ khai mạc lễ hội Lam Kinh tổ chức vào sáng 24.9 (tức 22 tháng 8 âm lịch).
Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đến thời điểm hiện tại các đơn vị đã và đang triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, cơ bản bảo đảm các điều kiện để tổ chức lễ hội.
Cụ thể, kịch bản chương trình khai mạc, diễn văn, kịch bản dâng hương, chúc văn đã được xây dựng. Công tác thông tin, tuyên truyền đang được triển khai.
Công tác hậu cần, phòng, cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh – trật tự, vệ sinh môi trường, điện lưới, mạng internet đã được Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh và các đơn vị, địa phương liên quan lên kế hoạch chi tiết.
Ông Toán cũng cho biết, mới đây tại cuộc họp nắm bắt tình hình và triển khai nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2024, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất về khách mời, maket, công tác hậu cần, kịch bản chương trình khai mạc, kịch bản dâng hương, chủ đề, nội dung chương trình sân khấu hóa Lễ hội Lam Kinh năm 2024.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/di-tich-quoc-gia-dac-biet-lam-kinh-van-an-toan-sau-bao-so-3-don-khach-tro-lai-tu-sang-nay-104130.html