Học viện Phụ nữ Việt Nam (TƯ Hội LHPN Việt Nam) là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Giới và phát triển. PGS.TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Khoa Giới và Phát triển – đã chia sẻ với Báo PNVN về ngành đặc thù này.
+ Bà có thể cho biết ngành Giới và phát triển có tầm quan trọng thế nào trong sự phát triển của xã hội?
PGS.TS Dương Kim Anh: Giới và Phát triển được đào tạo ở Học viện Phụ nữ Việt Nam từ năm học 2015-2016, cho tới nay đã tới khoá sinh viên thứ 10 – là các em sinh viên K12 Giới và Phát triển vừa nhập học.
Như tên ngành Giới và Phát triển, chuyên ngành gồm 2 mảng lớn có liên quan mật thiết với nhau. Nội dung đào tạo của ngành bám sát 2 mảng này. Kiến thức chung của ngành gồm: Phân tích giới, Lồng ghép giới, Xây dựng và quản lý dự án phát triển.
Các môn học chuyên ngành bao gồm giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Giới trong Giáo dục, Giới trong Kinh tế và Quản trị, Giới trong Chính trị, Giới trong Chính sách công; các môn kỹ năng thực hành giới như đánh giá tác động giới, tuyên truyền vận động giới.
Chương trình cũng tăng cường thời lượng cho các môn thực hành như thực hành phân tích giới, lồng ghép giới; thực hành xây dựng và quản lý dự án phát triển; thực hành tuyên truyền, vận động giới.
Giới và Phát triển liên quan đến con người, xã hội và cộng đồng nên cơ hội việc làm của ngành Giới và Phát triển khá đa dạng. Qua 6 khoá sinh viên đã ra trường, có thể thấy một số vị trí công việc cụ thể của ngành Giới và Phát triển:
Cán bộ chuyên trách, chuyên viên về giới, về phát triển, làm việc trong các ban Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến địa phương; Cán bộ, chuyên viên làm việc tại các tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Công đoàn);
Cán bộ chuyên trách, hoạch định chính sách, các chuyên viên làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có liên quan về giới và phát triển từ Trung ương đến địa phương như UBND, các sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thể thao và Du Lịch, Thông tin – truyền thông, Giáo dục, Y tế, UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ;
Cán bộ chương trình, điều phối viên về giới, về phát triển trong các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước; Tư vấn giới, tư vấn xã hội; điều phối viên các chương trình, dự án phát triển; Cán bộ nhân sự cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
+ Vậy, công tác tuyển sinh ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam có khó khăn gì không?
PGS.TS Dương Kim Anh: Giới và Phát triển đã được đào tạo tại Học viện Phụ nữ Việt Nam từ năm học 2015-2016 và vẫn là ngành mới mẻ do chưa có trường thứ hai đào tạo ngành này. Tuyển sinh Giới và Phát triển gặp một số khó khăn nhất định:
Trước hết, nhiều người còn chưa biết đến sự tồn tại của ngành Giới và Phát triển. Bên cạnh đó, không ít người còn cho rằng Giới và Phát triển chỉ liên quan đến phụ nữ, nghiên cứu các vấn đề về phụ nữ. Trên thực tế, Giới và Phát triển liên quan đến con người.
Bên cạnh đó, Giới và Phát triển không chỉ bao hàm bình đẳng giới mà liên quan đến con người, đến sự phát triển của con người, của cộng đồng. Ngoài ra, mặc dù Giới và Phát triển đã có mã ngành riêng (7310399) nhưng Giới và Phát triển cũng cần có mã nghề riêng trong tương lai gần.
Với sự phát triển của xã hội, tôi tin rằng Giới và Phát triển sẽ được xã hội quan tâm hơn và tuyển sinh trong những năm tới sẽ khởi sắc hơn.
+ So với những năm trước, năm nay số học sinh đăng ký Ngành Giới và phát triển nhiều hơn? Theo bà, nguyên nhân do đâu?
PGS.TS Dương Kim Anh: Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh cử nhân ngành Giới và Phát triển khoá đầu tiên vào năm học 2015-2016 với hơn 80 sinh viên. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ở mức 80 sinh viên. Ở khoá 6-9 (khoá thứ 4-7) số lượng sinh viên giảm đi.
Trong những năm gần đây, từ khoá 10-12 (khoá thứ 8-10) số lượng sinh viên đăng ký vào ngành này đã dần tăng lên. Năm nay có 77 sinh viên nhập học ngành Giới và Phát triển, gần đạt mức của khoá đầu tiên, so với các năm gần đây thì tăng hơn. Sự gia tăng này là so một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Ban Giám đốc Học viện trong việc duy trì, phát triển ngành Giới và Phát triển, như một ngành đặc thù của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Thứ hai, Giới và Phát triển đã được công nhận mã ngành riêng (7310399) trong khối Khoa học xã hội và Hành vi (731) theo Quyết định 1596/QĐ-BGDĐT ngày 7/6/2024. Điều này khẳng định Giới và Phát triển là một ngành khoa học, cần được quan tâm, duy trì và phát triển.
Thứ ba, nhận thức giới của xã hội tăng lên, vì vậy tầm quan trọng và đóng góp của ngành cho sự phát triển bền vững của xã hội được ghi nhận.
Thứ tư, Giới và Phát triển liên quan đến con người. Học Giới và Phát triển để hiểu mình, hiểu người, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đầy đủ của cá nhân, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội và đất nước. Điều này phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của thanh niên, sinh viên.
Thứ năm, nỗ lực của giảng viên, sinh viên ngành trong duy trì và phát huy bản lĩnh, sự ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học; nỗ lực phát triển ngành không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó là tấm gương nỗ lực học tập, làm việc và thành công của không ít cựu sinh viên ngành Giới và Phát triển trên thực tế trong học tập và công việc.
+ Bà mong muốn phát triển ngành Giới và phát triển trong thời gian tới thế nào?
PGS.TS Dương Kim Anh: Tôi mong muốn Giới và Phát triển trở thành ngành học được quan tâm rộng rãi trong xã hội. Mong muốn Giới và Phát triển được ưu tiên đào tạo, phục vụ nhu cầu phát triển của con người và xã hội.
Mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên ngành Giới và Phát triển như sinh viên Sư phạm để tạo sức hút và tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Tạo điều kiện cấp học bổng cho sinh viên ngành Giới và Phát triển.
Đặc biệt, cần lưu tâm tới việc cấp mã nghề cho ngành Giới và Phát triển, để cơ hội việc làm trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước trở nên rộng mở hơn với cử nhân Giới và Phát triển. Tôi cũng mong muốn ngành Giới và Phát triển tiếp tục phát triển vững chắc hơn ở bậc đại học và được đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) trong thời gian tới.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ngày 10/9/2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024-2025, chào đón các tân sinh viên khóa 12 của 11 ngành đào tạo: Công tác xã hội, Giới và Phát triển, Quản trị Kinh doanh, Luật, Luật kinh tế, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Kinh tế, Tâm lý học, Kinh tế số.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/5-nguyen-nhan-tao-nen-suc-hut-cho-nganh-gioi-va-phat-trien-20240916144435382.htm