Băn khoăn việc siết chặt trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Bên cạnh việc luật hóa hành vi thao túng chứng khoán với quy định hạn chế giao dịch với nhà đầu tư cá nhân, để bảo vệ thị trường, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành (ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định).
Với quy định này, để có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, các doanh nghiệp phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khẳng định điều này mâu thuẫn với quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi, nếu có tài sản bảo đảm hay ngân hàng bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng thì đã quá chắc chắn, giảm thiểu rủi ro cho người mua, cần gì phải đưa ra các điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Hay việc bổ sung thêm các quy định về điều kiện đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là quá khắt khe, mang tính hạn chế số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, chia sẻ với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink, cũng cho rằng: Nhà làm luật cũng chưa lý giải được tại sao lại đưa ra quy định nhà đầu tư phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất thì xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Lấy một ví dụ là trong thời gian qua, đầu tư chứng khoán có nhiều rủi ro nên nhà đầu tư đã thận trọng không đầu tư nhiều giao dịch chứng khoán nên không thể đáp ứng được tiêu chí trên, do đó đã không được xếp vào đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Như vậy, việc đưa ra tiêu chí như vậy có thể cũng chưa thực sự thuyết phục và hợp lý”, ông Mạnh nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, lo ngại siết chặt đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khiến thị trường thiếu nhà đầu tư cá nhân, không đủ người mua và hệ quả là doanh nghiệp không thể phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn. Đây là một vấn đề mà nhà làm luật cần tính đến và việc tăng mức độ/tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần có lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường để vừa khuyến khích thị trường phát triển vừa đảm bảo sự lành mạnh của thị trường và an toàn cho nhà đầu tư.
“Nhưng điều quan trọng là cần có một sự nghiên cứu, đánh giá khoa học để xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ đó đưa ra được quy định luật chính xác, phù hợp”, luật sư Mạnh lưu ý.
Tạo điều kiện cho thị trường phát triển
Về điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, thực tế các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm. Việc có/không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung – cầu.
Vì vậy, theo vị này, việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia pháp chế Phạm Văn Hùng cho rằng về tổng thể dự thảo thắt chặt hai nút liên quan trái phiếu doanh nghiệp. Với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dự thảo cấm nhà đầu tư cá nhân không được tham gia giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, dự thảo nâng điều kiện với các nhà đầu tư tổ chức.
Với trái phiếu phát hành ra công chúng, dự thảo siết hai điều kiện. Một là, điều kiện chào bán, dự thảo yêu cầu điều kiện ngặt nghèo hơn là phải lên đến Đại hội đồng cổ đông. Hai là, dự thảo yêu cầu phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh ngân hàng. Ngoài ra, dự thảo còn quy định thêm một số trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành, công ty kiểm toán…
Theo chuyên gia này, tư duy sửa đổi quy định về trái phiếu doanh nghiệp của đơn vị soạn thảo “đang là thắt chặt cả hai đầu”. Trong khi đó, thị trường vốn phải đảm bảo doanh nghiệp có đa dạng sự lựa chọn để huy động được vốn trên thị trường. Vì nếu không huy động được vốn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hoặc không thể lớn được.
“Khi chúng ta cảm thấy một thị trường nào đó rủi ro cho nhà đầu tư, chúng ta muốn thắt thì đồng thời phải gỡ một nút khác để cho doanh nghiệp vẫn huy động được vốn trên một kênh khác, thay vì đồng loạt thắt chặt tất cả các nút. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không biết huy động vốn ở đâu cả”, ông Hùng lưu ý.
Đối với thị trường trái phiếu, theo nhận định của chuyên gia này, trái phiếu phát hành ra công chúng có tỷ lệ đang rất thấp so với trái phiếu phát hành riêng lẻ. Bởi vì điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng quá ngặt nghèo.
Nếu để đảm bảo tránh các rủi ro cho nhà đầu tư, Nhà nước cần có một lộ trình chuyển đổi, để doanh nghiệp có thời gian thích ứng.
Dự thảo luật này ít nhất không nên đưa ra các điều kiện siết chặt việc phát hành trái phiếu ra công chúng, và cần có lộ trình để điều kiện phát hành ra công chúng dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có nhiều kênh huy động vốn hơn và nhà đầu tư có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng hơn để đầu tư”, ông Hùng góp ý.
Ngoài ra, ông Hùng khuyến nghị cần cân nhắc lại việc cấm cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ. Đúng là thị trường trái phiếu riêng lẻ không dành cho số đông, những người tham gia vào cần có kiến thức thật chắc. Cho nên cần đặt ra điều kiện ở mức phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp để tham gia vào thị trường này. Khi đã đặt ra các điều kiện rồi thì không cần phải cấm các nhà đầu tư cá nhân vì họ đã có kiến thức và chấp nhận được rủi ro ấy.
“Lúc đó, nếu cấm các nhà đầu tư cá nhân thì lại vô tình kém đa dạng hoá các sản phẩm tài chính và đẩy nhà đầu tư bỏ tiền vào những kênh khác rủi ro hơn hoặc các kênh không được Nhà nước quản lý”, ông Phạm Văn Hùng đúc kết.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/siet-manh-quy-dinh-dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-thi-truong-cang-am-dam-2322461.html