VHO – Trước thực trạng xuống cấp và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch, tại hội thảo mới diễn ra, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích chùa Trầm – chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian” do UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức. Khẳng định những giá trị đặc biệt của cụm di tích, nhiều nhà khoa học thẳng thắn cho rằng, việc chưa khai thác được giá trị của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian là đã lãng phí một tài nguyên giá trị. Do ảnh hưởng của thời gian và các yếu tố lịch sử, cụm di tích hiện trong tình trạng xuống cấp. Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan nhấn mạnh, cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu tình trạng xuống cấp tại cụm di tích này.
PGS.TS Đặng Văn Bài nêu: “Trải qua nhiều biến động lịch sử, hiện trạng cụm di tích không còn nguyên vẹn như lúc mới khởi dựng hay ở thời điểm hoàn chỉnh nhất. Yêu cầu bức thiết nhất đặt ra là phải có chương trình nghiên cứu sâu hơn nữa để nhận diện rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích, đồng thời tạo cơ sở diễn giải di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như ứng dụng thành tựu kỹ thuật hiện đại để người dân địa phương và du khách tiếp thu những thông điệp văn hóa của cha ông”. Nhìn từ góc độ bảo tồn gắn với phát triển du lịch, ông Bài lưu ý về giá trị di sản văn hóa Phật giáo gắn với du lịch tâm linh ở cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm. “Đối tượng khai thác trong du lịch tâm linh là đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ… Cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm là trường hợp thật tiêu biểu”, ông nói.
Khẳng định cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cũng theo ông Bài, nếu xét về mặt du lịch, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đến đâu thì cụm di tích này cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch. Vì vậy, muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm. “Các dự án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và phải lấy nguyện vọng, nhu cầu của người dân địa phương, du khách làm điểm xuất phát. Di sản văn hóa phải được bảo vệ và chỉ được bảo vệ khi chúng ta biết dựa hẳn vào cộng đồng, tin vào cộng đồng và phát huy được sức mạnh của cộng đồng cư dân địa phương cũng như các vị sư đang trụ trì ở cụm di tích”, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia lưu ý thêm.
Nhìn từ góc độ bảo vệ những báu vật trong các ngôi cổ tự, TS Phạm Quốc Quân nhấn mạnh, những báu vật trong hai ngôi chùa Trăm Gian và chùa Trầm, cùng với chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đã góp phần tạo nên một “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài, từ lâu đi vào văn liệu của lịch sử Phật giáo, của kiến trúc nghệ thuật Việt Nam, với tư cách là những quốc tự, sánh vai với chùa Một Cột, Kim Liên, Phật Tích, Đọi Sơn và nhiều ngôi cổ tự khác của thời hoàng kim Đại Việt. Tuy nhiên, ông Quân băn khoăn, dù có những giá trị đặc biệt nhưng cả hai ngôi chùa đều chưa thật sự được khai thác triệt để để trở thành điểm đến đối với du khách, tạo nên một trong những sức mạnh của nền công nghiệp văn hóa. Hội thảo một lần nữa đánh giá lại giá trị toàn diện của hai di tích, để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đảm bảo được yêu cầu khoa học và pháp lý, nhằm mục đích sau tu bổ, tôn tạo, cụm di tích phát huy hiệu quả tích cực hơn. Đó là cách làm bài bản, cần có.
“Câu chuyện bảo quản những báu vật ở những ngôi cổ tự trong cụm di tích chùa Trầm và chùa Trăm Gian, không có quá nhiều nguy cơ để báo động. Tuy nhiên, những tượng Phật, tượng thần, tượng thánh, tượng mẫu… đã từng bị xâm hại bởi những lớp sơn mới bị che phủ, làm mất đi tinh thần, hồn cốt và giá trị nguyên gốc của báu vật, cần được lưu tâm”, TS Phạm Quốc Quân cho biết và nhấn mạnh, muốn trả lại lớp sơn nguyên gốc của pho tượng trên mái của một lâu đài thế kỷ 17, chỉ cao có 70cm, mất tới hàng trăm ngàn đô la, giá cả vào thời điểm năm 1995. Vị chuyên gia bày tỏ, ông vô cùng băn khoăn về những tấm phù điêu La Hán và Thập điện đã bị nứt nẻ và bong tróc lớp sơn ta, cần có một dự án được lồng ghép trong dự án tổng thể “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích chùa Trầm – chùa Trăm Gian” sẽ được thực hiện trong tương lai. Đó cũng là mong muốn lồng ghép để có một dự án khôi phục lại bệ đá đất nung ở chùa Trăm Gian, nhằm đảm bảo tính khách quan và khoa học.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, cần cố gắng bảo tồn hiện trạng tự nhiên, không cho phép việc phá núi đồi, đất đai, lấp ao hồ để xây dựng trong phạm vi quy định và dự kiến quy hoạch. Việc tu sửa, nâng cấp về kiến trúc xây dựng cũng như tượng thờ, hiện vật cần được tuân thủ theo quy định chung. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa chùa Trầm và chùa Trăm Gian, đáp ứng nhu cầu văn hóa du lịch.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/khac-phuc-xuong-cap-bao-ton-toi-da-hien-trang-tu-nhien-104704.html