Làm môi trường mà chỉ dọn rác hoặc hô hào bảo vệ môi trường thì chưa đủ. Bởi thế, anh Nguyễn Vạn Tiến (ở TPHCM) đã xây những “trạm tái sinh” cho rác. Khái niệm “chuyển đổi số ngành ve chai” của anh cũng được cộng đồng ủng hộ. Suốt 13 năm trăn trở tìm “đầu ra” cho rác, anh đã mở ra một hướng đi mới cho rác tái chế.
Nguyễn Vạn Tiến hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Quận 5, TPHCM. Từ ngày còn học Đại học Công nghệ Sài Gòn, anh đã thích làm thiện nguyện. Sau mỗi giờ đến giảng đường, anh lại cùng nhóm bạn đi gom ve chai để bán gây quỹ cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi tại địa phương.
Quá trình này khiến anh phát hiện ra một điều, có những vật dụng cũ có thể dùng lại được, đặc biệt là có thể tái chế chúng thành những vật hữu ích. Anh bắt đầu yêu thích công việc thu gom rác tái chế từ dạo ấy.
Xuất phát từ một mô hình làm kinh tế kết hợp với thiện nguyện của Đoàn thanh niên Phường 10 (Quận 5), anh Tiến đã thành lập đơn vị thu gom, tái chế rác thải mang tên “Chú Hỏa” vào tháng 1/2024.
Hiện nay, đơn vị có 13 thành viên chính thức và 27 cộng tác viên là người lao động hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác thải tái chế. “Ai có giấy mang giấy, ai có nhựa mang nhựa, đồ mẻ, đồ hư dọn hết để đổi quà nhen!”, đó là những câu mà mỗi sáng thứ 7, chủ nhật, trạm thu gom rác thải tái chế Chú Hỏa rao trên những địa điểm đổi quà.
Ví dụ, đổi rác lấy tượng thạch cao, đổi lấy những đôi tất được tái chế… Những “Ngày hội sống xanh” được tổ chức đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ ghé thăm và mang đến hàng nghìn kilogam rác tái chế.
Cùng với các hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom rác tái chế, anh Tiến còn xây dựng những hệ thống điểm tái sinh làm nơi tiếp nhận, thu gom các loại rác thải theo yêu cầu từ nhà tái chế trên địa bàn TPHCM. Đó là những trạm tái sinh cho rác.
Trạm được vận hành bởi những người yêu môi trường, người chưa có việc làm ổn định. Phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện chính sách phân loại rác tại nguồn, có chính sách trợ giá cho người lao động tự mua ve chai truyền thống, trạm cũng là nơi thu gom nhiều loại bao bì, rác tái chế giá trị thấp mà thị trường truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà máy.
“Sứ mệnh mà chúng tôi đang thực hiện là phân loại đúng cách – tái chế đúng nơi. Qua các trạm tái sinh, tạo động lực để mọi người phân loại rác và giảm thiểu dấu chân carbon khi phải gửi rác đi quá xa khu vực mình sinh sống”, anh Tiến chia sẻ.
Năm 2024, đơn vị của anh sử dụng ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ việc vận hành thu gom, truy xuất “đường đi” của rác thải, cung cấp báo cáo – thống kê cho khách hàng, mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành phố và hy vọng sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai.
Không chỉ thu gom rác tái chế, phân phối tới các công ty chuyên tái chế vỏ hộp, lon, chai nhựa… anh Tiến còn đồng hành cùng người dân, các chủ nguồn rác thải trong việc phân loại rác thải đúng cách, đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi cam kết với khách hàng trong việc chuyển giao nguồn rác được tái chế tại những nhà máy được cấp phép. Chúng tôi vui mừng vì đã đạt được 70% mục tiêu đề ra”, anh Tiến chia sẻ.
Công việc hàng ngày của anh Tiến là điều hành các thành viên cung cấp dịch vụ phân loại – thu gom – vận chuyển lượng rác tái chế từ chủ nguồn thải đến các nhà máy.
Ngoài các hoạt động chuyên môn, anh còn thường xuyên kết nối với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tại địa phương thực hiện chương trình đổi rác lấy quà; phối hợp với các CLB thiện nguyện, tổ chức, cá nhân thực hiện các chiến dịch thu gom rác thải, sử dụng nguồn quỹ có được chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bình quân 1 ngày, đơn vị thu gom được xấp xỉ 5 tấn hàng hóa, các loại vật liệu thu gom đa dạng, như: giấy, nhựa, kim loại, rác thải cồng kềnh…
Anh Tiến cũng cho biết, sau gần 13 năm hoạt động, điều khó khăn nhất mà anh gặp phải chính là ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chưa cao. Nhiều bạn trẻ thích hoạt động thiện nguyện bảo vệ môi trường nhưng ít người xem đó là một công việc, một nguồn sống cho tương lai để có thể theo đuổi.
Điều mà anh và các thành viên tâm đắc nhất chính là việc dám nghĩ dám làm, tạo ra một điểm đến có bản sắc. “Chú Hỏa” đã góp phần thổi bùng “ngọn lửa” đam mê, tinh thần khởi nghiệp gắn liền với môi trường và cộng động cho nhiều người.
Mục tiêu trong năm tới, anh Tiến sẽ xây dựng mô hình trạm phục hồi rác thải (thay thế dần mô hình vựa truyền thống) tại TPHCM và các tỉnh, thành khác. Việc nhân rộng mô hình này với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc bảo vệ môi trường, trở thành một phần quan trọng trong chuỗi kinh tế tuần hoàn bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nguoi-xay-tram-tai-sinh-cho-rac-20240910161130779.htm