TP – Bộ TN&MT kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các địa phương đôn đốc chủ hồ lên phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, diễn biến thời tiết, khí hậu nước ta từ nay đến cuối năm rất phức tạp và khó lường. Sau siêu bão YAGI đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc, trong tháng 9, Biển Đông có thể đón 1-2 cơn bão, tập trung vào khoảng 10 ngày cuối tháng, có thể ảnh hưởng đến miền Bắc, Bắc Trung bộ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của La Nina, trong các tháng cuối năm, miền Trung có khả năng đón bão lũ dồn dập, đỉnh điểm là tháng 10-11.
Trong bối cảnh có thể đối mặt các tình huống mưa lũ cực đoan thời gian tới, nhất là nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung, Bộ TN&MT trường cho biết, sẽ rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu. Khi đủ điều kiện sẽ điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực.
Nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường.
Bộ TN&MT rà soát tổng thể, điều chỉnh quy trình liên hồ chứa trên cơ sở cập nhật các tình huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu.
Bộ TN&MT cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các địa phương đôn đốc cơ quan chức năng, chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, thực hiện chế độ quan trắc, thông tin hồ chứa theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi có cảnh báo khả năng xảy ra mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10-11 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn từ hoàn lưu bão YAGI, sau đó là dải hội tụ nhiệt đới và xoáy thuận phát triển trên đất liền, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc bộ lên nhanh. Lũ trên hồ thủy điện Thác Bà đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập.
Hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 – 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Thực tế, lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620m3/s vào lúc 9h ngày 10/9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.
Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế từ 17h ngày 10/9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h ngày 11/9. Tình huống xấu nhất đã được đặt ra nếu mực nước hồ lên tới 61m, nhưng may mắn sau đó, mưa lớn giảm khiến lưu lượng lũ về hồ giảm theo.
Nguồn: https://tienphong.vn/kien-nghi-len-phuong-an-van-hanh-ho-chua-khi-mua-lu-cuc-doan-post1673419.tpo