TPO – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội chưa chú trọng đến việc cân bằng với mức lương và thu nhập của người dân nên phần lớn người dân còn đang khó khăn khi tiếp cận với nhà ở xã hội.
Chậm trễ, lúng túng khi thẩm định, phê duyệt
Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa làm việc với Chính phủ về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, giai đoạn từ 2015 đến nay, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn.
Đối với Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021 – 2023, đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha. Có 499 dự án đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó đã hoàn thành 72 dự án với quy mô 38.128 căn.
Với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án; trong đó có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân.
Về chính sách hỗ trợ mục tiêu về nhà ở, tính đến hết năm 2023, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ có công đạt tỷ lệ 96,7%.
Theo ông Nghị, đến nay, hầu hết đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đều được tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà để ở… Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, các quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, quy trình.
Quy định ưu đãi chủ đầu tư, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội để cho thuê chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, việc xác minh đối tượng, điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài. Nguồn lực thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội còn hạn chế.
Nguyên nhân bởi nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.
Chưa cân bằng với mức lương và thu nhập
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội chưa chú trọng đến việc cân bằng với mức lương và thu nhập của người dân nên phần lớn người dân còn đang khó khăn khi tiếp cận với nhà ở xã hội.
Theo ông Kiên, Chính phủ cần yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan giải quyết những bất cập trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. |
Liên quan đến giải quyết những dự án bất động sản chậm tiến độ hoặc phải dừng lại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ làm rõ những vướng mắc pháp lý điển hình gặp phải là gì để có phương hướng giải quyết.
Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, quy trình thủ tục đầu tư hiện nay còn gồm nhiều bước, công đoạn, thủ tục nên đề nghị Chính phủ làm rõ quy trình thủ tục đầu tư có thống nhất không hay tùy từng đối tượng?
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã đáp ứng một phần nhu cầu cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp và đối tượng chính sách. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng cũng có nhiều khó khăn, cần tiếp tục sửa đổi các pháp luật có liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan đã được chỉ ra và cần làm rõ hơn trong báo cáo.
Nguồn: https://tienphong.vn/luong-va-thu-nhap-cua-nguoi-dan-hien-kho-mua-nha-o-xa-hoi-post1673148.tpo