(Dân trí) – Câu chuyện cậu bé 8 tuổi mất bố vì bão lũ khiến Thủ tướng xúc động, ôm chặt động viên. Chia sẻ 6 “điểm tựa Việt Nam”, ông tin rằng những điểm tựa ấy sẽ giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tối 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại chương trình truyền hình trực tiếp “Điểm tựa Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức.
Chương trình nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung.
Bão số 3 (siêu bão Yagi) với cường độ rất mạnh những ngày qua đã tràn vào các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trong tình hình nguy cấp, các lực lượng chức năng đã triển khai “thần tốc” các phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân, hàng ngàn phương tiện trực tiếp cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an toàn giao thông, sơ tán, di dời, tìm kiếm, cứu trợ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Người dân cả nước bằng tất cả tấm lòng đã hướng về vùng lũ, chia sẻ đóng góp tinh thần và vật chất với những sáng kiến và hành động cao đẹp. Trong những giờ phút khó khăn nhất, tình người Việt Nam làm xúc động cả bạn bè thế giới.
Câu chuyện của cháu Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 2016) bị mất cả bố và chị gái khi 3 người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc di chuyển bằng xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) làm mọi người không kìm được nước mắt.
Đại úy Lục Văn Nguyên, cán bộ Công an xã Yên Thuận, Công an huyện Hàm Yên (người trực tiếp cứu được cháu bé), cũng đã nỗ lực suốt nửa giờ để đi tìm bố mẹ chị gái của Bảo, theo lời thỉnh cầu của cậu bé, nhưng không có kết quả.
Bảo mất bố, mất chị gái, liên tục lau nước mắt khi đứng trên trường quay. Thủ tướng Phạm Minh Chính cầm theo chiếc cặp xách, bước lên và ôm lấy cậu bé, tặng Bảo một món quà với mong muốn cậu bé mạnh mẽ tiếp tục đến trường.
Bảo cũng chia sẻ ước mơ làm cảnh sát, giống người bố nuôi mà cậu bé vừa có, là Đại úy Lục Văn Nguyên.
Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” khắc họa nhiều câu chuyện xúc động về các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, những người tình nguyện không quản nguy hiểm, khó khăn đã tích cực công tác cứu hộ nhiều nạn nhân trong cơn bão lũ.
“Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, ai cũng cần điểm tựa”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, và đánh giá cao sáng kiến của VTV đặt tên chương trình là “Điểm tựa Việt Nam”.
Ông cũng chia sẻ về 6 “điểm tựa Việt Nam”.
Điểm tựa thứ nhất là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điểm tựa thứ hai là có Đảng lãnh đạo, và Đảng ta không có mục tiêu nào khác là giành độc lập, tự do cho dân tộc, chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ ba là điểm tựa truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc; tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
Điểm tựa thứ tư là nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh nhân dân làm nên lịch sử vì “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng qua”.
Điểm tựa thứ năm là quân đội và công an và cuối cùng là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.
“Mỗi người chúng ta khi khó khăn, thử thách lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, tự mình vượt ra khỏi giới hạn của bản thân với tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Với những điểm tựa vững chắc ấy, Thủ tướng kêu gọi mọi người làm việc bằng hai, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” để khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-om-chat-cau-be-mat-bo-vi-lu-du-chia-se-ve-6-diem-tua-viet-nam-20240915223411439.htm