Việc ăn mặc lịch sự, trang phục phù hợp ở những điểm tham quan, nơi công cộng, không chỉ là một quy tắc mà còn là một hành động thể hiện nét văn hóa của mỗi cá nhân.
Đúng nơi, đúng chỗ
Trong chuyến tham quan các di tích ở cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) vào những ngày đầu tháng 9, khi ghé thăm một số địa điểm như lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ…, người viết bắt gặp hình ảnh nhiều du khách cả trong và ngoài nước vô tư diện trang phục quần soọc, áo ba lỗ, hay cả áo khoe trọn phần lưng.
Ở một số điểm tham quan, dù bên ngoài đã gắn biển báo (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) quy định về trang phục nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Nội quy tham quan di tích cố đô Huế quy định: “Quý khách vào tham quan phải ăn mặc lịch sự. Không mặc áo sát nách hoặc quần đùi khi tham quan nơi thờ tự”.
Cũng liên quan đến câu chuyện ăn mặc, trên mạng xã hội những ngày cuối tháng 8 lan truyền hình ảnh 3 du khách nữ mặc đồ tắm hai mảnh đi bộ trên Phố cổ ở Hà Nội, vô tư nói chuyện cười đùa cùng nhóm bạn.
Những câu chuyện ăn mặc phản cảm như: mặc bikini hay chụp ảnh bán khỏa thân ở Phố cổ Hội An; cô gái trẻ chụp hình hớ hênh trong siêu thị; mặc váy ngắn, áo xuyên thấu, tạo dáng gợi cảm… khi đến những nơi tôn nghiêm vốn xuất hiện khá thường xuyên trên mạng xã hội và nhiều lần gây bức xúc.
Mỗi người đều có lý do cho hành động của mình và thậm chí tìm mọi cách để bao biện, ngay cả khi bị cộng đồng mạng lên án.
Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện mặc đẹp bỗng dưng được lan tỏa, khiến chính người trong cuộc ngỡ ngàng. Minh Đời – một bạn trẻ chuyên may áo dài truyền thống, trong chuyến đến thăm Huế đã trải qua một tình huống bất ngờ.
Cùng nhóm bạn diện những trang phục áo dài đẹp, chỉn chu do chính mình tự may để chụp hình kỷ niệm, nhóm được du khách nước ngoài nhầm tưởng là các nhân viên di tích nên thi nhau lấy máy ảnh ra chụp.
Trong video được đăng tải thu hút hơn 1 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận, có rất nhiều lời ngợi khen, nhiều người còn cho rằng, hành động này tuy nhỏ nhưng đã góp phần nào đó lan tỏa hình ảnh văn hóa, trang phục truyền thống của người Việt.
Ý thức làm đẹp cho cộng đồng
Bên cạnh việc chọn trang phục đẹp, thoải mái thì nhiều người lại quên mất chuyện trang phục cần phù hợp với bối cảnh, địa điểm nơi mình đến, dù đó là một trong những điều quan trọng nhất.
Trang phục bikini vốn được sinh ra chỉ dành để đi biển, hay các sân khấu thời trang, thi người đẹp. Nó không thể nào trở thành trang phục dạo phố chỉ vì thời tiết nóng bức.
Tương tự, với những du khách khi tham quan tại Huế, trang phục quần soọc, áo ba lỗ, áo hai dây kia, rõ ràng chỉ phù hợp khi đi dạo, đi chơi ở các nơi công cộng chứ không dành cho các địa điểm di tích.
Vì vậy, khi tham quan Thế Tổ Miếu nằm trong quần thể Đại Nội, ngay khu vực cửa vào luôn có bảo vệ kiểm tra, nhắc nhở du khách có trang phục chưa phù hợp. Các du khách mặc trang phục ngắn, hở hang nếu muốn tiếp tục tham quan sẽ được đề nghị dùng khăn choàng để đảm bảo sự kín đáo tại nơi tôn nghiêm.
Chính điều này đã khiến du khách trong và ngoài nước hoàn toàn thấy thoải mái và chấp hành nghiêm chỉnh trong vui vẻ. Với khách đoàn, trước mỗi điểm đến, hướng dẫn viên cũng cần phổ biến sớm những quy định về trang phục để du khách có lựa chọn phù hợp. Hay tại các điểm di tích, ngay từ cổng vào luôn có người nhắc nhở về quy định trang phục, dần dần sẽ tạo thành thói quen tốt.
Quy định về trang phục cũng đã được cụ thể hóa bằng văn bản, biển thông báo có ở các điểm tham quan, di tích hoặc thậm chí là quy ước ngầm trong đời sống từ môi trường công sở cho đến hội họp, ma chay, hiếu hỷ…
Những trường hợp diện trang phục quá phản cảm, lộ liễu cũng có quy định về xử phạt, dù rằng đây chưa hẳn là biện pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết vẫn từ ý thức của mỗi cá nhân. Ngoài những trường hợp cố tình để được chú ý, chắc chẳng ai muốn mình trở thành tâm điểm của những lời phê phán, chê bai chỉ vì chuyện áo quần.
Câu nói “Ăn là cho mình, mặc là cho người” nhắc nhở, chuyện mặc của mỗi cá nhân, ngoài tạo thoải mái, tự tin cho chính mình, nó còn ảnh hưởng và góp phần tạo nên văn hóa cộng đồng.
VĂN TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/mac-dep-thoi-chua-du-post759100.html