Hôm qua (14.9), tờ The New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thảo luận về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa do phương Tây cung cấp để “thọc sâu” vào lãnh thổ Nga.
Lằn ranh đỏ
Trong khi London tỏ ý muốn thúc đẩy việc tăng cường năng lực trên cho Kyiv thì Washington lại chần chừ. Thời gian qua, Ukraine đã nhiều lần lên tiếng muốn được sử dụng tên lửa Storm Shadow (được sản xuất bởi liên danh Anh – Pháp) và tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Từ sớm, Mỹ đã cung cấp hệ thống pháo phản lực đa nòng M270 và hệ thống pháo phản lực lục quân cơ động M142 (HIMARS) cho Ukraine. Nhưng thời gian đầu, Mỹ chỉ cung cấp giới hạn các loại rốc két, tên lửa có tầm bắn dưới 150 km để Ukraine có thể phóng bằng M270 và HIMARS. Sau đó, Washington đã cung cấp ATACMS, cũng có thể được phóng bằng M270 hoặc HIMARS, cho Kyiv nhưng giới hạn không cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga.
Với tầm bắn lên đến hơn 500 km của Storm Shadow và tầm bắn khoảng 300 km, nếu sử dụng các loại vũ khí này thì Kyiv có thể khiến Moscow thiệt hại nặng. Bởi hiện tại, lực lượng Ukraine đã đáp trả thọc sâu, kiểm soát một số vùng trong lãnh thổ Nga.
Tờ The New York Times dẫn lời một số quan chức châu Âu tiết lộ Tổng thống Biden có thể sẽ sớm đồng ý vấn đề trên. Phản ứng trước các thông tin vừa nêu, CNN dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước báo chí, đã khẳng định nếu NATO dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào bên trong Nga, thì Moscow sẽ xem đó là hành động chiến tranh.
Ông Biden nói không ngại ông Putin nhưng chưa cho Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga
Chọn lựa của Tổng thống Biden
Phân tích khi trả lời Thanh Niên ngày 14.9, chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ Carl O.Schuster cho rằng: “Việc Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ khiến cho Moscow trả giá không nhỏ do cuộc xung đột ở Ukraine. Hiện nay, Moscow đang phải ứng phó việc bị Ukraine “thọc ngược” vào lãnh thổ của Nga khiến người dân Nga đang lo sợ”.
Chính vì thế, nếu Ukraine có thêm năng lực tấn công sâu vào lãnh thổ Nga thì sẽ trở thành thách thức không nhỏ cho Điện Kremlin. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến cho cuộc xung đột ở Ukraine trở nên căng thẳng hơn, thậm chí lan rộng ngoài tầm kiểm soát đối với Mỹ. Chính vì thế, nếu cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa mà Mỹ và đồng minh cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga, thì có nghĩa Tổng thống Biden đã có thay đổi lớn về chính sách đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Lý giải về sự thay đổi này của ông Biden, chuyên gia Schuster đánh giá ông Biden muốn Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, nên cần xóa bỏ những chỉ trích về việc đã không hỗ trợ tuyệt đối cho Ukraine nhằm đạt thế thượng phong.
“Bây giờ ông Biden có thể tuyên bố rằng ông đã xóa bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí vốn bị cho là nguyên nhân khiến Ukraine gặp bất lợi trong cuộc chiến”, vị chuyên gia nhận định.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga gặp Lãnh đạo Triều Tiên
Reuters hôm qua (14.9) đưa tin Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Thư ký Hội đồng An ninh Nga để thảo luận về việc tăng cường đối thoại chiến lược giữa hai nước.
Hai bên được cho là đã “trao đổi quan điểm rộng rãi về tình hình khu vực và quốc tế” và đạt được sự đồng thuận thỏa đáng về các vấn đề bao gồm “hợp tác nhiều hơn để bảo vệ lợi ích an toàn chung”.
Mỹ và Ukraine, cũng như các nhà phân tích độc lập, nói rằng ông Kim đã cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ các cáo buộc, dù hai bên cam kết tăng cường hợp tác quân sự và ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-truoc-lan-ranh-cho-phep-ukraine-choi-lon-o-nga-185240914232018643.htm