Cơn bão số 3 vừa qua đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc với cường độ rất mạnh; hoàn lưu bão gây mưa lớn trên toàn bộ các tỉnh từ miền Bắc trở ra với tổng lượng từ 200 – 400mm, các tỉnh miền núi từ 400 – 600mm, có nơi trên 700mm. Nhiều hồ chứa thủy điện khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã phải xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn công trình thủy điện. Hiện nay, mực nước hạ lưu các sông thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình đang ở mức cao, có nơi trên báo động 3, một số tuyến sông gần đạt hoặc đã vượt mức lịch sử, đe dọa an toàn hệ thống đê điều, gây ngập lụt nhiều khu vực dân cư, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Thực hiện Công điện số 94/CĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập lụt tại vùng hạ du, tiếp theo các chỉ đạo trong những ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương khẩn trương, tập trung với tinh thần và trách nhiệm cao nhất thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện:
– Thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa, lũ trên khu vực, tập trung vận hành, điều tiết hồ chứa (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó các hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du (trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình), đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Trong quá trình vận hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng tại địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để kịp thời chỉ đạo trong các trường hợp khẩn cấp.
– Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của nhân dân vùng hạ du do lũ gây ra.
– Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
– Bố trí lực lượng trực ban 24/24h để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
– Chỉ đạo các nhà máy thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.
– Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công tác vận hành hồ chứa thủy điện theo quy trình đã được phê duyệt, nhất là các hồ chứa trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà.
3. Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thủy văn các hồ chứa thủy điện, có kế hoạch huy động các nhà máy thủy điện (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó các hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du, đảm bảo tuân thủ các Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
4. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố:
– Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu nhiệm vụ tại Công điện này.
– Tăng cường kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công tác vận hành hồ chứa thủy điện theo quy trình đã được phê duyệt, nhất là các hồ chứa trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà.
– Kịp thời báo cáo Bộ Công Thương các trường hợp bất thường trong vận hành công trình thủy điện trên địa bàn quản lý.
Yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện này và thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Điện thoại: 024.22218310; Fax: 024.22218321.
Email: [email protected]./.
Chi tiết công điện xem tại đây
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/cong-dien-hoa-toc-ve-viec-tang-cuong-cong-tac-van-hanh-dieu-tiet-cac-ho-chua-thuy-dien-nham-dam-bao-an-toan-cho-he-thong.html