Nhiều quan điểm trái chiều đưa ra về xu hướng thị trường trong giai đoạn tháng 9. VN-Index được dự báo có rất nhiều cơ hội để quay lại khu vực 1.290 – 1.300 điểm, nhưng thay vì tăng lên ngay thì thị trường vẫn tiếp tục đứng quanh khu vực 1.250 – 1.260 điểm.
Thị trường chứng khoán trong hai tuần đầu tháng 9 đã liên tục giảm điểm khá mạnh đi kèm thanh khoản yếu. VN-Index có 5 phiên chịu áp lực điều chỉnh từ 1.270 điểm về vùng giá 1.250 điểm. Điểm tích cực có lẽ chỉ đến từ việc ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm được giữ vững và một vài mã ngành nông nghiệp, thực phẩm thu hút được nhà đầu tư.
Thị trường trải qua tuần giao dịch vừa qua khá ảm đạm với 2 phiên giao dịch cuối tuần khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 4.2023 đến nay, khi dường như nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến, hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi.
Sau diễn biến kém lạc quan của thị trường, đã có nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm thận trọng và có chút tiêu cực hơn khi cho rằng, VN-Index có thể chỉnh sâu hơn, thậm chí VN-Index có thể về các mức hỗ trợ 1.220 – 1.230 điểm. Đồng thời, khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức trung bình và chờ đợi tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn để gia tăng vị thế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm lạc quan vào những yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới và cho rằng, rủi ro đã giảm bớt, thị trường sẽ chuẩn bị cho một đợt tăng điểm vào cuối năm.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ABS cho hay, cơ sở cho nhận định trên đó là sẽ có hai yếu tố vĩ mô quan trọng nhất tác động đến thị trường.
Thứ nhất, sau những hậu quả nặng nề do cơn bão Yagi gây ra, người dân và doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục lại cuộc sống, cũng như trở lại sản xuất kinh doanh bình thường.
Áp lực lạm phát do chi phí đẩy cũng gia tăng do nguồn cung các loại hàng hóa cả thiết yếu và không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số ngành hưởng lợi từ công cuộc tái thiết này.
Thứ hai, yếu tố kỳ vọng có tác động lớn đến nền kinh tế và thị trường thời gian tới là việc Fed có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành 0,25% từ phiên họp FOMC ngày 18.9 tới.
Điều này phù hợp với xu hướng các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới thời gian qua đã bắt đầu giảm lãi suất điều hành khi lạm phát đã giảm về mức kỳ vọng.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng điều hành lãi suất ở mức thấp ổn định để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá. Việc Fed giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NHNN sẽ có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.
NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế như: từng bước hạ lãi suất; triển khai các giải pháp ưu đãi, triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3.
Tính đến ngày 7.9, dư nợ tín dụng đã tăng 7,15% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các giải pháp giúp nâng hạng thị trường như thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay có thể sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV. Điều này có thể giúp gia tăng dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/chung-khoan-cho-tin-hieu-dao-chieu-1394424.ldo